Hôm nay (15/9), Australia công bố Báo cáo các mối đe dọa mạng hàng năm lần thứ 2 do Trung tâm An ninh mạng (ACSC), Cảnh sát Liên bang và Ủy ban Tình báo Hình sự cùng tham gia biên soạn với nhiều nội dung rất đáng chú ý.
Theo Báo cáo này, trong năm tài chính vừa qua, tính từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021, Trung tâm An ninh mạng nhận được hơn 67.500 báo cáo về tội phạm mạng, tức là cứ mỗi 8 phút, Trung tâm này nhận được một báo cáo tấn công mạng, tăng gần 13% so với cùng thời điểm của năm trước.
Theo ước tính của Trung tâm An ninh mạng, các vụ tấn công mạng đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và cá nhân tại Australia số tiền là 33 tỷ AUD. Trong đó, mỗi doanh nghiệp của nước này đã phải chi hơn 50.000 AUD trong 12 tháng để xử lý các vụ tội phạm mạng xâm nhập hệ thống thư điện tử (email) của doanh nghiệp.
Tội phạm mạng đã khai thác đại dịch Covid-19 và đang tích cực nhắm mục tiêu vào các dịch vụ y tế và những người dân dễ bị tổn thương để thực hiện các hoạt động gián điệp, đánh cắp tiền và dữ liệu nhạy cảm. Các báo cáo về tội phạm mạng liên quan đến mã độc tống tiền (ransomware) đã tăng gần 15% so với năm ngoái và thủ đoạn này vẫn là một trong những mối đe dọa mạng nghiêm trọng nhất.
Phát biểu tại buổi công bố Báo cáo về mối đe dọa mạng hôm nay, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Andrew Hastie nhấn mạnh, gián điệp mạng hiện vẫn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Australia. Chiến tranh mạng và gián điệp mạng là một chiến thuật rất phổ biến, có nguy cơ phá hoại hợp tác quốc tế và trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ. Theo ông Hastie, tội phạm mạng đang gia tăng các vụ tấn công nhằm vào người dân và các tổ chức trong bối cảnh đại dịch. Khoảng 1/4 sự cố an ninh mạng nhằm vào các tổ chức cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, thông tin liên lạc, điện, nước và giao thông.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Andrew Hastie khẳng định, chính phủ Australia sẽ nỗ lực đảm bảo an toàn cho người dân và doanh nghiệp trên không gian mạng, đồng thời ông cũng kêu gọi người dân tăng cường cảnh giác đối với các giao dịch trên mạng, sử dụng các hình thức bảo mật mạnh bao gồm xác thực 2 yếu tố và thường xuyên cập nhật phần mềm để đảm bảo an toàn hơn trên không gian mạng./.