Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập vừa xác nhận, gần 64% cử tri Ai Cập tham gia 2 đợt trưng cầu dân ý vừa qua đã ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp mới từng gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà quan sát, dự thảo Hiến pháp mới dù được thông qua cũng không giúp Ai Cập chấm dứt được bế tắc chính trị hiện nay mà ngược lại sẽ càng châm ngòi cho các hoạt động phản đối bùng nổ mạnh mẽ hơn.Ngày 25/11, phát biểu tại  lễ công bố kết quả cuộc trưng cầu ý dân, ông Samir Ahmed Aboul-Maaty, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập cho biết: “Tỷ lệ cử tri tham gia cuộc trưng cầu  ý dân là 32,9%, trong đó, tổng số người bỏ phiếu thuận là gần 10,7 triệu người, chiếm  63,8%; còn số người bỏ phiếu chống là hơn 6,6 triệu người, tương đương 36,2%”.

ai-cap-2.jpg
Cảnh sát chống bạo động Ai Cập ngăn chặn xung đột tại thành phố Alexandria  (Ảnh: Tân Hoa xã)

Cũng theo ông Abu Maati, Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập đã điều tra nghiêm túc cáo buộc của phe đối lập về những hành vi gian lận trong cả 2 đợt trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp, song không phát hiện bất cứ bằng chứng cụ thể nào.

Sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân được thông báo, Thủ tướng Ai Cập Hisham Qandil đã ra tuyên bố kêu gọi "tất cả các lực lượng chính trị hợp tác với chính phủ" nhằm vãn hồi nền kinh tế của quốc gia Bắc Phi này.  Trong một tuyên bố cùng ngày, ông Murad Ali - người phát ngôn của Đảng Tự do và Công lý, một nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo cho biết sẽ tập trung vào việc đẩy nhanh cải cách kinh tế trong thời gian tới: "Đầu tiên chúng ta cần phải chuẩn bị một số hành động lập pháp cả tại Hội đồng Shurah- tức Thượng viện và Hội đồng nhân dân (Hạ Viện). Đây là công việc ưu tiên. Ngoài ra, chúng tôi sẽ thảo luận với các bên liên quan về một số luật khẩn cấp để tăng tốc độ cải cách kinh tế trong giai đoạn hiện nay”.

Tuy nhiên, Mặt trận Cứu quốc - phe đối lập chính tại Ai Cập, đã phản đối kết quả trưng cầu ý dân này và tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh. Ông Mohamed ElBaradei, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và hiện là thủ lĩnh của Mặt trận Cứu quốc, cho rằng việc thông qua dự thảo Hiến pháp mới sẽ "thể chế hóa sự bất ổn tại Ai Cập". Theo ông, bản Hiến pháp này chỉ nên coi là tạm thời cho đến khi một dự thảo hiến pháp khác được soạn thảo dựa trên sự đồng thuận giữa tất cả các bên.

Mặc dù vậy, kết quả vừa được Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập công bố đồng nghĩa với việc mở đường cho một cuộc bầu cử quốc hội trong vòng hai tháng tới tại Ai Cập, và khiến quốc gia Bắc Phi này lại bước vào một cuộc chiến bầu cử mới giữa phe Hồi giáo đang chiếm đa số tại Quốc hội và phe đối lập theo đường lối tự do và cánh tả.

Ngay sau khi thông báo kết quả, một nhóm người biểu tình đã đốt lốp xe và làm tắc nghẽn giao thông gần quảng trường trung tâm Tahrir. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy các cuộc biểu tình lớn hoặc tình trạng bạo loạn sẽ xảy ra./.