Hy Lạp, Tây Ban Nha, Croatia, Italia và CH Síp là 5 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên có độ tuổi dưới 25 cao nhất trong Liên minh châu Âu năm 2013.

1.    Hy lạp (59%)

2010-2011_greek_protests_collage.png

Trong nỗ lực nhằm khuyến khích người dân tự hoạt động kinh doanh, thay vì tham gia những công việc có tính chất tạm thời, chính phủ Hy Lạp đã liên tục cắt giảm mức lương tối thiểu hàng tháng đối với những người dưới 25 tuổi. Tính đến nay, mức lương tối thiểu đã bị cắt 32% từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Thực trạng này cho thấy, trong khi những người trẻ tuổi tích cực tham gia vào lực lượng lao động, thì môi trường làm việc của chính quốc gia này lại không ủng hộ cho lắm.

Báo cáo cuối năm 2013 của Cơ quan Thống kê châu Âu Erostat cho biết, tỷ lệ người thất nghiệp có độ tuổi dưới 25 lên tới 59%. Con số không chính thức được cung cấp lên tới 65% trong năm ngoái.   

Đã sáu năm trôi qua kể từ khi cuộc suy thoái xảy ra và các cuộc biểu tình tại Hy Lạp đã trở thành một vấn đề tất yếu khi người dân đối mặt với việc cắt giảm lương, sa thải hàng loạt và thiếu những chương trình xã hội trong bối cảnh quốc gia này đang phải nỗ lực để trả khoản nợ công khổng lồ lên tới 160% GDP.

Tất cả những thực trạng trên đã khiến quốc gia này trở thành quốc gia đầu tiên bị hạ bậc, từ một nước “phát triển” xuống là “nước mới nổi”.

2.    Tây Ban Nha (55,7%)

Tây Ban Nha là quốc gia đứng thứ 2 về tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tuổi cao nhất châu Âu, vào khoảng 55,7%. Con số này gần gấp ba lần so với con số của 5 năm trước khi bắt đầu cuộc khủng hoảng nhà đất tại quốc gia này.

Vào giai đoạn cuối năm 2013, tỷ lệ người trẻ thất nghiệp đã giảm 3% so với trước đó, song phần lớn số việc làm được tạo ra là việc làm có tính chất tạm thời do đây là thời điểm nghỉ lễ.

Tuy nhiên, thông tin về việc Tây Ban Nha đã rút khỏi chương trình cứu trợ tài chính của Eurozone vào tuần trước đã đem lại tia hy vọng cho người dân nước này.  Kinh tế Tây Ban Nha được dự báo sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm 2014, song thị trường việc làm của quốc gia này dường như sẽ không cho thấy sự cải thiện nào.

3.    Croatia (49,9%)

Vào tháng 12/2013, Thủ tướng Chính phủ Croatia, ông Zoran Milanovic cho biết, ông khá nghi ngờ tính xác thực của số liệu thống kê thất nghiệp của Croatia hiện nay, vào khoảng 50% của Eurostat và 52% ở một số báo cáo khác. Tại một diễn đàn của EU về vấn đề thất nghiệp ở thanh niên, ông Zoran Milanovic thừa nhận rằng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp của cả nước hiện ở trên mức trung bình của châu Âu, nhưng cho biết con số này là “bất bình thường” và ông cho rằng con số thực tế không cao như vậy.

Liên minh châu Âu hiện có ngân sách hàng tỷ USD để đối phó với tình trạng thất nghiệp của thanh niên và Croatia hy vọng sẽ nhận được hơn 35 triệu euro viện trợ trong năm 2014. Trong khi nền kinh tế Croatia đang gặp nhiều khó khăn, hy vọng rằng khoản viện trợ của EU sẽ giúp một phần nào cải thiện thị trường lao động đối với người trẻ tuổi tại quốc gia này.

4.    Italia (41,6%)

Tại Italia, vấn đề rắc rối nhất trong việc giải quyết tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao ở quốc gia này là làm thế nào ngăn chặn việc người thất nghiệp tăng lên liên tục qua các năm. Năm 2008, tỷ lệ này là khoảng 21%, đến năm 2012, con số này đã lên tới trên 35%. Và năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 41,6%.

Thị trường lao động tại Italia tại thời điểm này đang gặp rất nhiều khó khăn và dường như không có mấy triển vọng đối với giới trẻ. Các khảo sát gần đây đều cho thấy, những người Italia trẻ tuổi đang dần có xu hướng di cư sang các nước khác để tìm việc làm. Cùng với việc nền chính trị bất ổn khiến các chính sách cải cách, đổi mới ít có cơ hội diễn ra,  gần 400.000 sinh viên tốt nghiệp trong 1 thập kỷ qua đã di cư sang các quốc gia khác để tìm kiếm cơ hội việc làm. Điều này đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại cho rằng tương của thị trường lao động quốc gia này không mấy khả quan và sẽ có nhiều biến động.

5.    CH Síp (38,7%)

Tỷ lệ thất nghiệp chung ở Síp trong năm 2013 vào khoảng 17%, song vẫn chỉ bằng 1 nửa so với tỷ lệ thấp nghiệp 38,7% của thanh niên độ tuổi dưới 25.

Trong khi các chuyên gia kinh tế đang có cái nhìn khá lạc quan về triển vọng kinh tế của CH Síp, thì tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này được đánh giá là sẽ không có mấy cái thiện trong ngắn hạn./.