Các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất trên thế giới tưởng như luôn có đủ sức mạnh để chống chọi với mọi biến cố xảy ra, cho dù kinh tế toàn cầu có rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, đối với vấn đề pháp luật thì lại là một chuyện khác, họ không thể quay trở lại quá khứ để xóa đi những sai lầm mà mình đã mắc phải.

Tạp chí The Richest mới đây công bố danh sách top 10 công ty đa quốc gia phải chịu mức án phạt cao nhất lịch sử vì những hành vi phạm pháp của mình, từ những giao dịch liên quan đến dược phẩm, hối lộ và những hành vi lách luật khác. Đây sẽ là một bài học đắt giá cho các công ty khác trong vấn đề đạo đức và quản trị nguồn nhân lực.

1. BP

Mức phạt: 34 tỷ USD

bp.jpg

Hãng dầu lửa BP của Anh đã phải nộp mức tiền phạt khổng lồ 34 tỷ USD, bắt nguồn từ sự cố tràn dầu năm 2010 tại vịnh Mexico sau vụ nổ giàn khoan khiến 11 người thiệt mạng. Những gì xảy ra sau đó thực sự là một thảm họa đối với môi trường vào hàng nghiêm trọng nhất trong lịch sử, khi một lượng lớn dầu thô bắt đầu bị rò rỉ vào vịnh Mexico với tốc độ lên tới 60.000 thùng một ngày (tương đương 2,5 triệu gallon). Phải mất 3 tháng mới ngăn chặn được những lỗ dầu bị rò rỉ. Hiện vụ án tràn dầu này vẫn chưa khép lại, và 34 tỷ USD là mức phạt mà các công tố viên Mỹ muốn BP phải gánh chịu. Ngoài ra, một số lãnh đạo của BP cũng phải ngồi tù vì tội hình sự.

2.Glaxo-Smith-Kline

Mức phạt: 3 tỷ USD

Năm 2012, hãng dược phẩm Glaxo-Smith-Kline của Anh đã phải trả 3 tỷ USD Mỹ (tương đương với 37% lợi nhuận 1 năm của công ty này) do có những gian lận về dược phẩm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, liên quan đến 10 loại thuốc mà hàng triệu người đã uống.

Glaxo-Smith-Kline PLC đã bị buộc tội che giấu, không báo cáo với chính phủ suốt 7 năm về những vấn đề có liên quan tới an toàn khi dùng thuốc trị tiểu đường Avandia, đã bị hạn chế ở Mỹ và bị cấm ở châu Âu sau khi phát hiện sự gia tăng nguy cơ tim mạch và sung huyết suy tim năm 2007.

Ngoài khoản tiền phạt 3 tỷ USD, công ty này đã phải chấp thuận việc bị cơ quan FDA quản lý và theo dõi trong vòng 5 năm.

3. Time Warner

Mức phạt: 2,4 tỷ USD

Năm 2005, đại gia ngành truyền thông Time Warner đã bị buộc tội lừa dối các cổ đông của mình về các chi tiết của vụ sáp nhập với công ty Internet AOL. Vụ sáp nhập thất bại khiến công ty này, khi đó có 90.000 nhân viên, chao đảo và giá cổ phiếu lao dốc. Mức tiền phạt 2,4 tỷ USD mà Time Warner phải gánh chịu tương đương gấp 2 lần mức doanh thu chỉ vào khoảng 1,3 tỷ USD mà công ty này thu được năm 2005. Ngoài ra, 8 cựu giám đốc của công ty cũng bị phạt tù .

4. Pfizer

Mức phạt: 2,3 tỷ USD

Hãng dược phẩm hàng đầu thế giới của Mỹ, Pfizer trong năm 2009 đã phải chịu mức phạt  2,3 tỷ USD vì quảng cáo phóng đại hiệu quả điều trị của một số dược phẩm, vi phạm quy định về dược phẩm của Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm liên bang (FDA).

Đây là lần thứ 4 trong 10 năm qua Pfizer Inc. bị phạt vì vi phạm nguyên tắc tiếp thị các sản phẩm của mình. Mức án phạt 2,3 tỷ USD là mức án phạt lớn nhất trong lịch sử ngành y tế của Mỹ thời kỳ đó

5. Johnson & Johnson

Mức phạt: 2,2 tỷ USD

Năm 2012, “gã khổng lồ” ngành chăm sóc sức khỏe Johnson & Johnson của Mỹ đã phải nộp phạt hơn 2,2 tỷ USD về hành vi chi trả cho bác sĩ và dược sĩ để quảng bá cho 3 sản phẩm của họ gồm thuốc chống loạn thần kinh Risperdal, Invega và thuốc điều trị suy tim Natrecor. Mức phạt này chiếm khoảng ¼ lợi nhuận của hãng trong năm đó.

6.Siemens

Mức phạt: 1,6 tỷ USD

Năm 2009, Tập đoàn Siemens (Đức) đã phải nộp 1,6 tỷ đô la Mỹ tiền phạt về tội đưa hối lộ – món tiền phát lớn nhất trong lịch sử kinh tế giai đoạn đó. Năm 2008, hãng điện tử-viễn thông Siemens của Đức bị nhà chức trách phát hiện có hành vi tham nhũng và đưa hối lộ để giành hợp đồng ở Đức, Mỹ, Venezuela, Israel, Bangladesh, Nga và Iraq. Thậm chí, những hành vi sai trái này của Siemens được cho là đã diễn ra suốt từ những năm 1990.

7. AIG

Mức phạt: 1,6 tỷ USD

Năm 2006, AIG, công ty bảo hiểm Mỹ lớn nhất thế giới đã đồng ý trả 1,6 tỷ USD (tương đương 12% lợi nhuận của công ty này trong  năm đó) để giải quyết cáo buộc về gian lận kế toán tài chính trong kinh doanh. Công ty AIG cũng được yêu cầu thực thi những thay đổi trong phương cách kinh doanh để bảo đảm tuân theo đúng chuẩn mực kế toán trong tương lai.

8.  Enron Corp

Mức phạt: 1,5 tỷ USD

Vào giữa thập niên 1990, công ty cung cấp năng lượng lớn của Mỹ là Enron đã bắt đầu làm giả sổ sách và che giấu các thương vụ mờ ám nhằm lừa dối cổ đông, các nhà đầu tư và người tiêu dùng, đẩy giá cổ phiếu tăng. Đến năm 2001, hành vi này của Enron bị phanh phui và đến cuối năm đó, công ty này phá sản.

Vụ án phạt công ty Enron kết thúc vào năm 2005, với mức án phạt 1,5 tỷ USD. CEO của công ty là Jeffrey Skiling vẫn đang ngồi tù cho tới thời điểm này.

9. Abbott Labs

Mức phạt: 1,5 tỷ USD

Năm 2012, hãng dược phẩm Abbott Laboratories của Mỹ đã bị phạt 1,5 tỷ USD vì tiếp thị loại thuốc chống tai biến Depakote với những chức năng sử dụng trái phép trong suốt thời gian từ năm 2006 – 2011. Khoản tiền phạt này tương đương với gần 1/3 lợi nhuận của Abbott Labs trong năm đó.

10. Intel

Mức phạt: 1,45 tỷ USD

Năm 2009, nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới Intel đã bị Liên minh châu Âu tuyên phạt 1,45 tỷ USD (1,06 tỷ euro), vượt kỷ lục 899 tỷ euro do EU phạt Microsoft năm ngoái. Hội đồng châu Âu (EC) cũng ra lệnh cho Intel phải lập tức chấm dứt các chiến thuật kinh doanh ở châu Âu nhằm loại bỏ đối thủ chính Advanced Micro Devices (AMD).

Mức phạt 1,45 tỷ USD này tương đương với 33% lợi nhuận của Intel vào năm đó. /.