Từ ngày 19/4 đến ngày 25/5, tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) có 7 trẻ dưới 6 tháng tuổi tử vong, nghi do viêm não cấp và 12 trường hợp được điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Lâm, với các triệu chứng sốt, ho, viêm đường hô hấp. Đến thời điểm này, 5 trẻ đã khỏi hoàn toàn và xuất viện, còn 7 trường hợp vẫn đang được theo dõi, điều trị, hiện sức khỏe cũng dần ổn định.

Bộ Y tế cử đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương đến hỗ trợ  gia đình các trẻ và điều tra giám sát và xác định nguyên nhân ban đầu nghi do viêm não virus. Ngành Y tế tỉnh Cao Bằng cũng huy động các y, bác sĩ điều trị tích cực các trường hợp đang nằm viện.

viem_nao_ydso.jpg
Virus viêm não Nhật Bản có từ động vật được lây truyền qua loại muỗi đốt, đốt trẻ và gây bệnh (ảnh: Dân trí)

Ông Nguyễn Văn Lê, Phó Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng cho biết: Bệnh viện tỉnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã vào tận nơi để lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ điều trị, trong 1-2 ngày nữa sẽ có kết quả và thông báo nguyên nhân mắc bệnh của các cháu đó.

Đến nay, các nơi cũng đã kiểm soát được tình hình, các đơn vị y tế đanh tiến hành tuyên truyền vận động, xử lý môi trường, tăng cường công tác giám sát, điều tra và vận động tất cả các trẻ em dưới 5 tuổi ở xã đó và quanh khu vực đến bệnh viện khi có triệu chứng, vận động đến điều trị. Công tác tiêm chủng mở rộng thường xuyên cũng đang tiến hành bình thường.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Cao Bằng tăng cường giám sát, điều tra, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc viêm não cấp, các ổ dịch mới phát sinh, đồng thời rà soát và củng cố công tác tiêm chủng mở rộng, tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, đặc biệt tại các xã vùng sâu vùng xa. Sở Y tế Cao Bằng sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ cho việc chẩn đoán, thu dung, diều trị bệnh nhân và xử lý ổ dịch…

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 4 tháng qua, cả nước có 152 ca mắc viêm  não virus, trong đó có 2 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2015, số mắc giảm gần 24%. Viêm não do virus xuất hiện quanh năm nhưng mùa dịch là vào các tháng hè và đỉnh điểm là tháng 6, 7, 8. 

Ngành Y tế khuyến cáo cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ; Khi ngủ cần mắc màn; Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. Riêng đối với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản, cha mẹ cần đưa con tiêm đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả./.