Muốn tiêm chủng vaccine dịch vụ Pentaxim cho con, vợ chồng chị Nguyễn Huyền Trang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) gọi điện thoại đến rất nhiều cơ sở nhưng đều chỉ nhận được câu trả lời "hàng chưa về" và khuyên ra phường tiêm.
Ngày 25/12, phòng tiêm POLYVAC - VNUH ở 182 Lương Thế Vinh (Bệnh viện ĐH quốc gia Hà Nội) điểm đầu tiên mở tiêm loại vaccine này nên đêm 24/12, chồng chị Trang đến đây tìm hiểu trước. Đến nơi, anh đã thấy khoảng 100 người xếp hàng. Sáng hôm sau, số người lên đến hàng nghìn, ai cũng sợ không đến lượt nên dẫn đến cảnh hỗn loạn.
"Khi sự việc lên đến đỉnh điểm khiến dư luận bức xúc thì hàng loạt điểm lại công khai có Vaccine dịch vụ. Vậy là làm sao?", chị bức xúc và cho hay theo thông báo tuần sau các điểm sẽ triển khai tiêm, vợ chồng chị sẽ lại tiếp tục "canh".
Cha mẹ chờ đăng ký tiêm dịch vụ cho con ở điểm tiêm 418 Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: H.X. |
Chị Trang cho hay vì việc tiêm chủng cho con, chị bị stress mấy tháng liền. Khi con được 4 tháng tuổi, chị đã cho tiêm một mũi Quinvaxem miễn phí, tuy nhiên bé bị sốt. Vì thế lần tiêm nhắc lại này, chị không tiếc tiền cho một mũi tiêm dịch vụ.
"Nhiều người biết tôi cho con tiêm Quinvaxem đều hỏi 'không sợ sao", rồi đến nhân viên y tế cũng dặn dò 'phải theo dõi kỹ, con có bị làm sao thì mang ngay đến đây' khiến tôi càng lo và không muốn tiêm miễn phí", chị Trang nói.
Cùng do chờ Vaccine dịch vụ, nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa muốn đưa con đi tiêm. Chị Lê Hà (Đội Cấn, Hà Nội) có con gái 3 tháng tuổi nhưng đến nay bé chưa tiêm một mũi Vaccine phối hợp nào, trong khi theo lịch sẽ tiêm mũi đầu tiên lúc 2 tháng tuổi và nhắc lại sau một tháng. Vì lo ngại phản ứng phụ sau tiêm Quinvaxem nên chị cứ chần chừ chờ tiêm dịch vụ.
"Mình nghe nói tiêm Quinvaxem về con hay sốt nên cố đợi nhưng thực sự là lo, nhỡ không may thì hối hận", chị Hà nói và cho hay thời gian tới nếu khan hiếm quá chắc sẽ phải đưa con đi tiêm Quinvaxem miễn phí. Hàng xóm của chị có người dù 6 tháng tuổi nhưng chưa cho con tiêm mũi nào.
Đêm 24/12 hàng trăm người xếp hàng đến sáng để lấy số đăng ký tiêm chủng ở phòng tiêm 182 Lương Thế Vinh. Ảnh: Đặng Như Quỳnh. |
Theo thông tin của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, sáng 29/12 cơ sở sẽ triển khai đăng ký tiêm qua mạng để sáng 30/12 bắt đầu tiêm Pantexim. 16 điểm còn lại trên địa bàn thành phố chưa có thông báo gì.
Lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng cho biết, đơn vị này chỉ nhận được vài trăm mũi Vaccine dịch vụ theo phân bổ, tuy nhiên đến đầu tuần tới mới có. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh xác nhận đơn vị vẫn chưa được tiếp nhận Vaccine Pentaxim. Theo Giám đốc Trung Tâm Y tế dự phòng Thanh Hóa Hà Đình Ngư, lượng vắcxin từ Bộ Y tế chỉ có 15.000 liều, trong đó Hà Nội được ưu tiên 13.000 liều. "Vì lượng vacxin rất ít nên nếu được cấp, chúng tôi sẽ ưu tiên cho những trẻ đã tiêm nhắc lại", ông Ngư nói.
Chen lấn xô đẩy hỗn loạn tại điểm tiêm vắc xin ở Hà Nội
Theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, trẻ cần tiêm đúng lịch lúc 2, 3, 4 tháng; vì thế nếu trẻ đã tiêm mũi 1 dịch vụ thì mũi 2 sẽ tiêm Quinvaxem.
Tỷ lệ gặp phản ứng phụ nhẹ (sốt dưới 38,5 độ C; sưng đau tại chỗ tiêm) của Vaccine tiêm dịch vụ ít hơn loại tiêm chủng mở rộng. Nguyên nhân Vaccine 5 trong 1 Pentaxim có sử dụng thành phần ho gà vô bào - tinh chất hơn, trong khi Quinvaxem là toàn tế bào (trước kia là Vaccine DPT).
Theo ông Phu, điều này gây nên tâm lý lo ngại của các bậc cha mẹ, trong khi tỷ lệ phản ứng nặng của hai loại là giống nhau. Tuy nhiên nếu xét về hiệu quả, đáp ứng miễn dịch thì Vaccine tiêm chủng mở rộng với thành phần ho gà toàn tế bào thì tốt hơn.
"Tất cả các Vaccine đều an toàn, hiệu quả, lựa chọn như thế nào là quyền của các bà mẹ. Chúng tôi chỉ khuyến cáo, cha mẹ không nên chờ đợi mà nên tiêm cho con đủ mũi, đúng lịch. Vaccine Quinvaxem cũng có mặt tốt của nó, đừng vì sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm mà coi nhẹ nó", ông Phu nhấn mạnh.
Quivaxem do Hàn Quốc sản xuất và được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ./.