Sáng nay (26/12), tại cuộc họp báo do Bộ Y tế tổ chức, trả lời câu hỏi của các phóng viên, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cho rằng: Trước sự việc xảy ra ngày hôm qua, bản thân ông rất buồn.
Ông Cường cho biết: 160.000 vaccine Petaxim về không biết là vui hay buồn. Trước kia mỗi năm 1.000 hoặc 2.000 mũi tiêm dịch vụ, nhưng bây giờ người ta dồn vào một lúc gây nên tình trạng khan hiếm vaccine.
Xếp hàng, mòn mỏi chờ vaccine dịch vụ (ảnh: KT) |
Theo ông Cường, thế giới hiện nay theo số liệu có được có ba nhà sản xuất có công nghệ sản xuất vaccine vô bào, đó là Nhật Bản, Sanofi, JSK. Cục Quản lý Dược đã sang làm việc với nhà máy ở Nhật Bản nhưng họ không xuất khẩu và chỉ sản xuất để tiêu thụ trong nước. Vậy là chỉ còn 2 doanh nghiệp làm được.
Ông Cường cho biết: Thêm một khó khăn nữa là năm ngoái các nhà sản xuất kiểm tra định kỳ phát hiện một số lô không đủ hiệu giám kháng thể và dừng lại mấy lô và để sản xuất 1 lô rất lâu. Cộng với tình hình dịch bệnh trên thế giới nên các nước đều tăng, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất chỉ ưu tiên cho các quốc gia dùng cho Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR).
Còn ở nước ta dịch vụ chỉ có 1 hoặc 2, nếu thiếu đã có Quinvaxem nên không được ưu tiên. Chính vì thế, người dân không thể so sánh với Singapore vì bên đó họ cũng tiêm Pentaxim trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo ông Cường, sau nhiều lần đi đàm phán, Sanofi đã "co kéo" chỗ này, chỗ khác để cung cấp cho Việt Nam nhưng chỉ tầm 200.000 liều. Họ đã đồng ý trong đợt này nhưng đến khi công văn sang chỉ có 160.000 mũi, còn 40.000 mũi đợt đến tháng 2 sang năm. Ban đầu, Cục không thông báo chỉ khi chính thức về mới thông tin, kiểm định xong, đạt yêu cầu mới báo để tránh tâm lý chờ đợi của người dân. Không chó phép sử dụng vaccine "xách tay" vì không đủ điều kiện để tiêm.
Ông Cường tâm sự: "Cục Quản lý Dược đã tìm hết cách, từ Pháp đến Nhật, Hàn Quốc. Ngay ở Pháp hiện nay cũng có thông tin thiếu vaccine. Nhưng họ cũng không nặng nề, họ linh hoạt dùng vaccine khác thay thế chứ không như ở Việt Nam cố định một loại vaccine".
Hiện nay tại Việt Nam có hai nhà nhập khẩu vaccine và cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thông tin cho rằng Bộ Y tế không cho tăng giá là sai. Theo ông Cường, Bộ Y tế sẵn sàng cho tăng giá nếu có tờ trình đầy đủ về tỷ giá thay đổi.
"Cục vẫn tiếp tục bằng mọi cách tìm các nguồn, cho đến bây giờ không có nguồn nào khác cung ứng", ông Cường nói.
Trong năm tới, ông Cường tiết lộ có nguồn khả dĩ là hiện nay công ty có vaccine 6 trong 1 Hexaxim có thành phần ho gà vô bào đang thử nghiệm lâm sàng ở Thái Bình tiêm cho 354 trẻ từ 61 ngày tuổi, xong 3 mũi cơ bản đến tháng 2/2016. Theo nguyên tắc sau 28 ngày sẽ kiểm tra hiệu giá kháng thể. Nếu hội đồng y đức chấp nhận có thể vào tháng 6/2016 sẽ triển khai. Cùng lắm, đến đến tháng 2/2017 tiêm mũi thứ 4 nhắc lại mới xem hiệu giá kháng thể và đến tháng 6 cùng năm có thể triển khai.
“Có người nói nếu tăng giá vaccine sẽ có thể mua ở các nước Malaysia, Campuchia nhưng điều đó không chính xác, vì các nước đó không có nhà sản xuất vaccine Pentaxim. Mặt khác, buôn bán không chính thức sẽ nguy hiểm cho tính mạng. Vaccine không phải là hàng hóa khác xách được nên không thể có thông tin này và có cũng đừng tiêm, giá có rẻ 1 nửa cũng không tiêm”, ông Cường khuyến cáo
Ông Long yêu cầu các cơ sở tiêm chủng đồng loạt mở tiêm Pentaxim từ ngày 28/12, tức thứ 2 tuần tới. Cha mẹ trẻ đến đăng ký mang theo giấy khai sinh, chứng sinh của trẻ và giấy tờ tùy thân để tránh hiện tượng “cò” vào mua gom vaccine.
Trong tuần tới sẽ có thêm 68.000 liều vaccine được hoàn tất kiểm định tính an toàn. Số lượng vaccine này vốn giao cho khu vực phía Nam nhưng ông Long yêu cầu Cục Quản lý dược đứng ra điều phối để đưa thêm vaccine cho khu vực phía Bắc nếu xảy ra thiếu hụt tại khu vực này./.