Với nhiệm vụ quản lý vùng biển từ bờ Bắc Cửa Định An (tỉnh Trà Vinh) đến Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, những năm qua, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 luôn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn trên vùng biển, đảo Tây Nam.
22 năm xây dựng và trưởng thành (14/9/1998 - 14/9/2020), các thế hệ cán bộ chiến sĩ (CBCS) BTL Vùng Cảnh sát biển 4 luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, gắn bó với tàu, với vùng biển được phân công, bảo vệ bình yên vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.
Quản lý vùng biển rộng, nhiều quần đảo và hệ thống cửa sông, lạch, ranh giới biển tiếp giáp với nhiều nước xung quanh, trong đó có nhiều vùng chồng lấn. Bên cạnh đó còn có tuyến hàng hải quốc tế sôi động, thông thương giữa các nước trong khu vực, thường xuyên có nhiều tàu thuyền trong nước và quốc tế hoạt động nên tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Chính vì vậy, Vùng Cảnh sát biển 4 luôn duy trì các biên đội tàu trực làm nhiệm vụ, kể cả trong các dịp lễ, Tết, kịp thời điều động lực lượng phương tiện tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Mặc dù gặp không ít khó khăn, song, CBCS BTL Vùng Cảnh sát biển 4 luôn can trường nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.
Thiếu tá Trịnh Minh Hiển, Phó Chính ủy Hải đoàn 42 cho biết: Mỗi CBCS Hải đoàn 42luôn thấm nhuần quan điểm có tính nguyên tắc đó là chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán biển, đảo của Việt Nam là bất khả xâm phạm, pháp luật được thực thi là cái “bất biến”. Điều đó có nghĩa là giữ vững chủ quyền, an ninh lãnh thổ quốc gia là “dĩ bất biến”; còn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh thổ quốc gia bằng các biện pháp hòa bình, linh hoạt xử lý các tình huống trên cơ sở luật pháp quốc tế là “ứng vạn biến”.
Kiên định đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng giải pháp “hòa bình”, bằng sức mạnh tổng hợp: đấu tranh chính trị, ngoại giao, chứng cứ pháp lý, lịch sử và bằng các biện pháp cần thiết khác. Kiên trì, tránh xung đột xảy ra trên biển, nhưng đồng thời cũng phải xử lý thật tốt mối quan hệ hợp tác, phát triển với các nước có liên quan. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cố gắng ở mức cao nhất duy trì môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với nhiệm vụ đảm bảo an toàn an ninh trên vùng biển Tây Nam nên yêu cầu những người chiến sỹ vùng Cảnh sát biển 4 phải thường xuyên ra khơi, bám biển. Đại úy Trần Xuân Đôn, Thuyền trưởng tàu CSB4039, Hải đoàn 42 chia sẻ: thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển nhạy cảm, nên bất kể ngày nắng hay mưa, trong mọi điều kiện thời tiết, CBCS tàu CSB4039 luôn trong tư thế chủ động, sẵn sàng nhận lệnh ra khơi. Công việc đặc thù nên mỗi lần thực hiện nhiệm vụ, anh em cũng lênh đênh trên biển từ 30 đến 50 ngày. Song dù khó khăn, vất vả đến đâu, CBCS đều xác định tốt tư tưởng rời bến là phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Vùng biển mà BTL Vùng Cảnh sát biển 4 quản lý có nhiều diễn biến phức tạp, tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, khai thác, thăm dò,…hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng tăng. Vì vậy trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn gian lận thương mại và tội phạm ma túy trên biển, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 thực hiện tốt phương châm “lấy pháp luật làm nền tảng, công tác trinh sát làm mũi nhọn”.
Đại tá Nguyễn Văn Tranh, Phó Tư lệnh Pháp luật BTL vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: Vùng đã duy trì thường xuyên công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển đảm nhiệm, kịp thời ngăn cản tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; đồng thời tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài. Nâng cao hiệu quả tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình tội phạm, vi phạm trên biển. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng chống các tội phạm, vi phạm. Đồng thời tăng cường các hoạt động tuần tra kiểm tra, kiểm soát, tập trung vào các tuyến, khu vực biển trọng điểm, vùng biển giáp ranh thường xuyên xảy ra các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.
Thời gian qua, CBCS Vùng Cảnh sát biển 4 đã bắt giữ hàng trăm vụ vận chuyển hàng nhập lậu bằng đường biển như mỹ phẩm, thuốc lá, bột giặt, đường kính, xăng dầu, lâm sản. Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến nay, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã kiểm tra 61 lượt tàu trong đó có 59 lượt tàu trong nước và 2 lượt tàu nước ngoài; đã kiểm tra, bắt giữ và tiếp nhận xử lý 11 vụ/16 tàu có hành vi mua bán, sang mạn, vận chuyển hàng hóa (dầu D.O) trái phép trên biển. Xử phạt và tham mưu Tư lệnh Cảnh sát biển xử phạt vi phạm hành chính 11 vụ/16 tàu với số tiền hơn một tỷ đồng, tịch thu hơn ba triệu lít dầu D.O, bán tài sản tịch thu nộp ngân sách Nhà nước 31 tỷ đồng.Tổng số tiền thu từ xử phạt và bán tài sản tịch thu do vi phạm hành chính là hơn 32 tỷ đồng.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Minh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, những năm qua tình hình vùng biển Tây Nam tương đối ổn định song còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và yếu tố khó lường. Trong chặng đường 22 năm xây dựng, phát triển, cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 luôn thực hiện tốt quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ Quốc phòng – An ninh và Đối ngoại quân sự; nắm chắc tình hình, làm tốt công tác tham mưu với cấp trên để xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra trên vùng biển được phân công quản lý. Mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn không ngừng cố gắng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng kiên định vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Để đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn, giữ bình yên vùng biển được phân công trong tình hình mới, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng tổng hợp, chủ động khắc phục khó khăn, tích cực đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, huấn luyện chiến đấu theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, thực hiện tốt chủ trương xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”./.