Gần đây, các phương tiện mặt đất không người lái (unmanned ground vehicles - UGV), xe tăng robot thu nhỏ, như THeMIS 1,5 tấn trang bị nhiều loại súng và tên lửa được vận hành từ xa, đã phát triển rất nhanh. Các phiên bản kích thước đầy đủ không bị bỏ rơi, qua việc Nga đã thử nghiệm phiên bản không người lái c xe tăng chiến đấu chủ lực công nghệ cao T-14 Armata mới nhất của họ. Quân đội Hàn Quốc đang xem xét một cách tiếp cận khác - tìm cách chống lại kẻ thù bằng vũ khí và robot thông minh hơn.
Hàn Quốc phải đối mặt với giàn pháo hùng hậu của Triều Tiên bao gồm hơn 5.700 khẩu dọc khắp vùng phi quân sự hóa (DMZ) ngăn cách hai nước. Một nghiên cứu của RAND năm nay ước tính, Triều Tiên có thể gây ra 200.000 thương vong cho Hàn Quốc trong một giờ pháo kích. Để đương đầu với hỏa lực pháo binh đó trong trường hợp có chiến tranh, Seoul vừa công bố kế hoạch tự động hóa pháo binh của họ.
Từ năm 1998, Quân đội Hàn Quốc đã được trang bị pháo tự hành K9 Thunder 155mm (L52 - nòng dài gấp 52 lần cỡ nòng) do Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc và Công ty Hàng không Vũ trụ Samsung (sau đó được đổi tên thành Samsung Techwin và được Hanwha Defense mua lại vào năm 2017), phát triển. Đây là loại pháo tương đương với M109 của Quân đội Mỹ, được trang bị động cơ diesel MTU MT 881 Ka-500 có công suất 1.000 mã lực, kết hợp với hộp số tự động Allison của Đức.
K9 có tầm bắn 40km với loại đạn “base bleed” do Hàn Quốc sản xuất, sử dụng bộ tạo khí để giảm ma sát, có tầm bắn xa hơn 16km so với khẩu M019A6 mới nhất của Mỹ. Lục quân và Thủy quân Lục chiến Hàn Quốc đang duy trì 1.100 pháo này trực chiến, chống lại mối đe dọa từ dàn pháo Triều Tiên được triển khai dọc khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên, trên vĩ tuyến 38.
Từ năm 2018, Thunders được nâng cấp lên phiên bản K9A1 với hệ thống định vị mới và hệ thống điều khiển hỏa lực tự động - bổ sung hệ thống dẫn đường/định vị toàn cầu quán tính, một kính tiềm vọng nhiệt cho người lái, một một tổ hợp phát điện phụ trợ mới và một camera phía sau…, giúp nâng cao tính năng của pháo và tấn công mục tiêu chính xác hơn.
Phiên bản nâng cấp tiếp theo, K9A2 sẽ thay thế tháp pháo bằng phiên bản không người lái với chức năng xếp và nạp đạn hoàn toàn tự động, giúp tăng tốc độ bắn và cho phép giảm biên chế xạ thủ và hai người nạp đạn hiện tại, kíp lái chỉ còn hai thành viên - lái xe và chỉ huy.
Phiên bản K9 có người lái có thể duy trì tốc độ bắn sáu viên mỗi phút; thiết bị nạp đạn tự động sẽ tăng tốc độ bắn lên mười viên một phút, và có thể bắn một loạt ba viên trong 8-15 giây. Thunder cũng có khả năng tạo hiệu ứng tác động đồng thời của nhiều viên đạn (Multiple Round Simultaneous Impact - MRSI) thông qua việc bắn liên tiếp 3 viên đạn theo các quỹ đạo khác nhau (trong 15 giây) nhưng rơi xuống khu vực mục tiêu đồng thời, tăng khả năng tàn phá, gây bất ngờ và hiệu ứng tâm lý cho đối phương.
Nhờ nền công nghiệp điện tử tiên tiến của Hàn Quốc, K9A2 cũng được trang bị một radar mảng pha quét điện tử. Đây là một hệ thống bảo vệ, có thể phát hiện các quả đạn và tên lửa đang bay tới, và truy xuất điểm xuất phát để phản đòn. Việc có một hệ thống radar như vậy tích hợp trực tiếp với pháo tự hành sẽ giúp việc bắn trả các vị trí pháo binh của Triều Tiên nhanh hơn.
Quá trình nâng cấp K9A2 hiện đang được tiến hành và sẽ cạnh tranh với Chương trình Hỏa lực Di động (Mobile Fires Program) của Quân đội Anh, nhằm thay thế đội pháo AS90 cũ kỹ được trang bị từ đầu những năm 1990. K9 đã được xuất khẩu rộng rãi sang một số quốc gia, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Ấn Độ, Phần Lan, Na Uy, Estonia (và Australia, trong năm 2021).
Hiện, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch hiện thực hóa chương trình không người lái K9A3, biến Thunder thành một phương tiện robot hóa hoàn toàn, có thể di chuyển và thực hiện các nhiệm vụ khai hỏa mà không cần sự hiện diện trên xe của kíp chiến đấu. Phương châm tác chiến của pháo binh, kể cả K9 Thunder, thường là “bắn và tẩu” (‘shoot and scoot’) - bắn một hoặc bắn nhiều phát để tạo hiệu ứng MRSI, sau đó nhanh chóng di chuyển để tránh đòn đáp trả của đối phương.
Ở nhiều khía cạnh, pháo tự hành không người lái có ý nghĩa hơn xe tăng không người lái. Khi xe tăng hoạt động trên chiến trường, người chỉ huy phải đưa ra những quyết định khó khăn và phức tạp, chẳng hạn như quyết định thời điểm khai hỏa, liệu có nên liều lĩnh vượt qua những địa hình xấu hoặc hiểm trở, và liệu đối tượng mờ ảo có phải là xe tăng của đối phương hay không...?
Ngược lại, pháo tự hành di chuyển trên các địa hình đã quen thuộc và chỉ đơn giản là bắn đạn pháo vào các tọa độ vị trí được con người khác xác định. Phiên bản K9A3 không người lái của Thunder do Hanwha Defense phát triển bằng kinh phí nhà nước Hàn Quốc dự kiến bắt đầu vào cuối năm nay, sẽ đưa ra một giải pháp hoàn thiện vào giữa những năm 2020, và sẽ được đưa vào sử dụng vào khoảng năm 2040./.