Theo Bekkhan Ozdoev - Giám đốc tổ hợp vũ khí Rostec - một phương án hiện đại hóa sâu pháo tự hành 2S7M “Malka”, bao gồm cả đạn thế hệ mới, đã được xây dựng và gửi tới Bộ Quốc phòng Nga để xem xét, tuy không tiết lộ chi tiết về giải pháp được đề xuất. Đầu năm nay, một phiên bản mới của Malka hiện đại hóa đã được giới thiệu và những chiếc được hiện đại hóa đầu tiên đã được đưa về các đơn vị vào tháng 4/2020.
Quá trình hiện đại hóa được thực hiện tại Uraltransmash, bao gồm thay thế hộp số, cơ cấu phân phối và bộ nguồn cấp năng lượng, thay thế các thiết bị quan sát và hệ thống dẫn hướng, thiết bị đàm thoại nội bộ và đài liên lạc, nâng cấp thiết bị phòng chống bức xạ hạt nhân, và bây giờ - lái dẫn vũ khí đến mục tiêu bằng máy bay không người lái (UAV).
Rostec đã tìm ra các phương án để hiện đại hóa sâu hơn loại vũ khí này với việc phát triển một thế hệ đạn mới, bao gồm cả đạn được lái dẫn. Theo giới thạo tin, có 3 loại đạn pháo hạt nhân 203mm được phát triển riêng cho Malka, dùng để phá hủy các mục tiêu như công sự, điểm trú quân, sở chỉ huy, kho tàng... của đối phương ở phía sau chiến tuyến, nằm sâu trong khu vực phòng ngự với tầm bắn lên tới 55.500m.
Được biết, 2S7M Malka được phát triển như một phương tiện để tấn công các mục tiêu quan trọng và mục tiêu của đối phương trong chiều sâu chiến thuật phòng thủ. Có pháo (2A44) cỡ nòng 203mm với khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau, bao gồm cả đạn nổ phân mảnh, đạn phản lực tích cực, đạn xuyên bê tông, đạn hóa học và đạn đặc biệt với đầu đạn hạt nhân, Malka một trong những vũ khí mạnh nhất cùng loại trên thế giới.
Phiên bản cải tiến đầu tiên 2S7 "Pion" (Hoa mẫu đơn, định danh NATO M-1975 - giống như cối 2S4 Tyulpan) dựa trên khung gầm của xe tăng T-80, do nhà máy Kirov (Leningrad) chế tạo nhằm thay thế các pháo tầm xa 203mm B-4 và B-4M và biên chế cho các Lữ đoàn pháo binh của Lực lượng dự trữ của Bộ Tư lệnh Tối cao Liên Xô - được đưa vào hoạt động từ năm 1975, phiên bản hiện đại hóa - 2S7M - từ năm 1986.
Hệ thống 2S7 có chiều dài thân 10,5m, rộng 3,38m, cao 3m, nặng 46 tấn, được trang bị động cơ diesel 750 mã lực, đạt tốc độ 51km/h, tầm hoạt động 500km. Đề phòng trường hợp động cơ chính bị hỏng, 2S7 được trang bị thêm hệ thống năng lượng dự trữ công suất 24 mã lực để dùng khi cần thiết. Kíp pháo thủ của 2S7 gồm 14 người, trong đó 7 người ngồi trên xe chiến đấu (gắn pháo) và 7 người ngồi trên xe hộ tống - tiếp đạn.
Quá trình hiện đại hóa 2S7 theo tiêu chuẩn 2S7M (còn được gọi là Malka hoặc Pion-M) được thực hiện tại nhà máy Uralvagonzavod. Trọng lượng chiến đấu của 2S7M Malka 46,5 tấn, kíp xe 6 thành viên, xe sử dụng đài R-173, cơ số đạn mang theo 8 viên (thay vì 4 viên của phiên bản gốc), tốc độ bắn 2,5 viên/phút (thay vì chỉ 1,5 viên/phút của bản gốc), tầm bắn đến 50km, được chuyển sang trạng thái chiến đấu trong vòng 7 phút.
Để nâng cao độ chính xác, Malka được kết nối với hệ thống điều khiển tự động của Lực lượng Mặt đất và sẽ được chỉ định mục tiêu bởi các vệ tinh, máy bay không người lái, phi cơ và các nhóm trinh sát của lực lượng tác chiến đặc nhiệm hoạt động trong hậu phương địch. Mới đây, 12 hệ thống pháo tự hành 2S7M Malka vừa được Nga gọi “tái ngũ” đã qua thử nghiệm khai hỏa tấn công kẻ thù giả định ở khoảng cách 30km, theo tọa độ được máy bay không người lái Orlan-10 cung cấp.
Các phiên bản nâng cấp của Malka sẽ đóng vai trò bắn tỉa tầm xa có khả năng phá hủy các mục tiêu được bảo vệ tốt nhất. Theo các chuyên gia quân sự, so với bom có điều khiển KAB-500 hay tên lửa hành trình Kalibr, đạn pháo 203mm có giá thành rẻ hơn nhiều và hiện Nga vẫn còn số lượng lớn loại đạn này từ thời Chiến tranh Lạnh. Đây sẽ là một trong những vũ khí giúp Nga duy trì sức mạnh trong trường hợp có xung đột xảy ra./.