Nước Pháp đã ở trong trạng thái căng thẳng từ tháng 1/2015 khi các phần tử cực đoan Hồi giáo tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo rồi sau đó là một siêu thị ở nước này. Tổng cộng có 20 người chết, bao gồm cả những kẻ tấn công.
Thời kỳ đó, Thủ tướng Pháp đã thừa nhận những thất bại trong lực lượng tình báo.
Các chuyên gia lưu ý rằng có vài nhân tố dẫn tới các thất bại tình báo hồi tháng 1: Các cơ quan an ninh ngập chìm trong kho dữ liệu khổng lồ, bị ngợp trước số lượng lớn người và email mà họ phải theo dõi. Luật pháp các nước như là Pháp lại không cho phép cơ quan an ninh được bắt người trước.
Câu chuyện của giai đoạn đó có lẽ vẫn đúng với hiện tại và loạt vụ tấn công khủng bố do Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng tiến hành gần như đồng thời ở Paris khiến ít nhất 129 người chết.
Bernard Bajolet, người đứng đầu cơ quan tình báo Pháp cho biết, các cảnh báo từ các cơ quan tình báo Iraq và Trung Đông không phải là hiếm, và nước Pháp đã cảnh giác cao độ rồi.
“Trong tháng qua chúng tôi đã phá vỡ một số cuộc tấn công trong lãnh thổ của chúng tôi”, ông Bajolet nói. “Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi lúc nào cũng có khả năng như vậy”.
(Đã vậy Pháp lại là nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất Tây Âu, nên áp lực làm việc của giới tình báo Pháp chắc sẽ phải tăng lên gấp bội – ND).
Việc thu thập thông tin tình báo từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo không hề dễ dàng do những khó khăn trong việc tiếp cận lãnh thổ bị nhóm này kiểm soát.
Các cơ quan tình báo của Iraq nói chung phải phụ thuộc vào các “cơ sở” bên trong tổ chức IS ở Syria và Iraq, nhưng thông tin từ các chỉ điểm này không phải lúc nào cũng “chuẩn”. Chẳng hạn, năm 2014, tin tức của quan chức tình báo Iraq khẳng định thủ lĩnh tối cao của IS al-Baghdadi bị thương nhưng sau đó thông tin này đã bị phủ nhận./.