Cuộc chiến chống khủng bố ở Syria vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, sau khi Nga quyết định rút phần lớn lực lượng khỏi Syria, chúng ta giờ đây có thể có một cái nhìn sâu hơn về những khía cạnh liên quan đến cách thức hoạt động của lực lượng không quân Nga ở Syria cũng như những khí tài mà Moscow sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố ở đây.

hau_can_eztk.jpg
Chiến dịch không kích thành công của Nga ở Syria có công lớn của hoạt động hậu cần. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Chìa khóa thành công của chiến dịch không kích

Để thành công, bất kỳ hoạt động quân sự nào cũng cần sự hỗ trợ toàn diện của các lực lượng liên quan. Ở Syria, Nga đã chứng minh khả năng gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế. Là một trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới, Nga có khả năng triển khai lực lượng đặc nhiệm đến những khu vực tác chiến xa xôi trong thời gian ngắn một cách bí mật.

Điều này chủ yếu nhờ vào hệ thống hậu cần chức năng cực tốt của Moscow, trong đó bao gồm cả lực lượng hậu cần đường không và đường biển.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đại tướng Alexander Dvornikov nói với Rossiyskaya Gazeta rằng, hơn 640 chuyến hàng hậu cần vận chuyển bằng đường hàng không, 80 chuyến bằng đường hàng hải đã được thực hiện kể từ tháng 9/2015 để hỗ trợ cho các hoạt động của Nga ở Syria.

Về chiến lược, điều này có thể được coi là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của các hoạt động quân sự. Nó đã được chứng minh qua những sự thay đổi trong lực lượng vũ trang Nga kể từ cuối những năm 2000 khi quân đội Nga tiến hành cải cách sâu rộng.

Một trong những mục tiêu cải cách đó là tạo ra một cơ chế cho việc triển khai nhanh chóng các lực lượng quân sự đến những khu vực xa xôi. Cơ chế này đã được thử nghiệm và cải thiện dần dần. Chiến dịch không kích những mục tiêu khủng bố ở Syria được cho là đỉnh cao của quá trình lâu dài này.

Không kích với độ chính xác cao

Đại đa số tin rằng, vẫn còn xa mới đến ngày các đội quân thời kỳ hiện đại không sử dụng gì nhiều ngoài các loại vũ khí có độ chính xác cao để tấn công kẻ thù từ xa.

Để tiến hành các cuộc không kích chống khủng bố tại Syria, các máy bay Nga chủ yếu dựa vào những loại bom thông thường, bao gồm bom phá mảnh không điều khiển OFAB-250-270. Các loại bom thông minh điều hướng như Kh-25ML và Kh-29L đóng vai trò ít quan trọng hơn trong cuộc chiến này.

Bom KAB-500S dẫn hướng bằng vệ tinh GLONASS được Nga sử dụng trong cuộc chiến ở Syria. (Ảnh: Sputnik)
Nga cũng sử dụng hạn chế bom KAB-500S dẫn hướng bằng vệ tinh GLONASS trong cuộc chiến ở Syria. Đây là loại bom có độ chính xác rất cao. Loại bom này có thể được thả từ độ cao vài km đánh trúng mục tiêu với xác xuất lệch tâm chỉ 3m.

Loại bom này chủ yếu được sử dụng để tiêu diệt các căn cứ, kho đạn, chốt chặn và thành trì của bọn khủng bố.

Mặc dù các loại bom công nghệ cao ít được sử dụng trong cuộc chiến ở Syria nhưng điều đó không có nghĩa là Nga đã chậm trễ trong việc phát triển và sử dụng vũ khí có độ chính xác cao. Lý do ở đây là phương pháp tiếp cận của Moscow.

Theo Sputnik, cách tiếp cận của Nga khác với cách tiếp cận của Mỹ. Lầu Năm Góc phát triển bom JDAM – loại bom thông minh thế hệ mới có tích hợp bộ điều khiển quỹ đạo, để thay thế cho các loại bom chính xác được dẫn đường bằng tín hiệu GPS hiện nay. Số lượng bom dẫn đường được Mỹ sử dụng trong các hoạt động quân sự đã không ngừng tăng lên trong 25 năm qua.

Trong khi đó, cách tiếp cận của Nga là hiện đại hóa các hệ thống mục tiêu, thu thập và điều hướng của máy bay ném bom chiến thuật. Nga lựa chọn phát triển hệ thống theo dõi mục tiêu SVP-24 Gefest, hệ thống này giúp cho những quả bom thông thường đánh vào các mục tiêu có độ chính xác cao hơn vì nó sẽ tự động tính toán các thông số của máy bay cũng như những điều kiện ngoai cảnh. Kết quả thu được là rất khả quan khi bom của Nga giờ có thể đạt đến độ chính xác cao hơn rất nhiều so với trước kia.

Vũ khí thay đổi cục diện cuộc chơi

Các hoạt động quân sự của Nga ở Syria đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của một số vũ khí Nga trên thực địa, bao gồm tên lửa Kh-101, Kh-555 và tên lửa hành trình Kalibr.

Tên lửa Kh-101 là loại tên lửa có tầm bắn hơn 5.500 km và tốc độ bay tối đa khoảng 270 mét/giây, độ chính xác của dao động trong khoảng từ 5-6m so với mục tiêu. Trong khi đó, tên lửa Kh-555 có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa phóng đi từ các tàu chiến của Nga hoạt động trên biển đạt được độ chính xác rất cao. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Trong các ngày 7/10 và ngày 20/11, tàu chiến Nga đã bắn thành công tên lửa Kalibr từ biển Caspi nhằm trúng các mục tiêu cụ thể ở khoảng cách 2.500km.

Không lâu sau đó, trong ngày 17/11, một chiếc tàu ngầm chạy động cơ diesel - điện có tên Rostov-on-Don, đã bắn tên lửa Kalibr vào các mục tiêu IS nằm gần thành phố Raqqa của Syria - thủ đô không chính thức của IS. Thông tin từ giới quân sự Nga khẳng định, tên lửa Kalibr đã đánh trúng tất cả các mục tiêu được chỉ định.

Việc sử dụng những loại vũ khí này trong tác chiến không thay đổi quá trình tiến hành các chiến dịch quân sự của Nga ở Syria. Tuy nhiên, chúng được cho là những yếu tố then chốt có thể làm thay đổi cục diện chiến trường và khẳng định vị trí cường quốc quân sự của Nga.

Ghi nhận sức mạnh của “hậu vệ” Su-34

Máy bay cường kích đa năng Sukhoi Su-34 (Fullback –hậu vệ) là một vũ khí tiên tiến khác trong kho vũ khí của Nga. Loại máy bay này đã thực hiện nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên tại Syria. Tổng cộng có 6 chiếc Su-34 được triển khai ở Syria và đóng tại Latakia.

Dựa trên mẫu Sukhoi Su-27, Su-34 là một chiếc máy bay thuộc thế hệ 4++, có khả năng tăng tốc lên gần 2.000 km/h. Nó có tầm hoạt động 4.000 km không cần tiếp nhiên liệu. Chiếc máy bay hai động cơ, hai chỗ ngồi này có giá gần 40 triệu USD mỗi chiếc.

Cường kích Su-34 của Nga được mệnh danh là "xe tăng bay" bởi số vũ khí khổng lồ mà nó có thể mang theo trong mỗi lần xuất kích, với tổng cộng 8 tấn bom đạn, tên lửa các loại, trong đó có các loại tên lửa không đối đất, không đối hải, bom dẫn đường, bom thông thường.

"Xe tăng bay" Su-34 đã khẳng định được sức mạnh trên chiến trường Syria. (Ảnh: gelio) 

Ngoài tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 có thể khóa mục tiêu theo hướng mắt của phi công, Su-34 còn được trang bị tên lửa tầm xa dẫn đường bằng radar R-77, tương đương với tên lửa AIM-120 AMRAAM của Mỹ. Ngoài ra, Su-34 còn được gắn thêm radar ở phía sau để cảnh báo phi công về các mối đe dọa, chẳng hạn như máy bay hay tên lửa địch, đang tiến tới từ đằng sau.

Với các vũ khí, công nghệ chuyên dùng để không chiến này, Su-34 hoàn toàn có khả năng "tự hộ tống" khi thực hiện các sứ mệnh không kích mà không cần sự bảo vệ của các chiến đấu cơ khác. Đây là tính năng ưu việt mà các loại máy bay cường kích đơn thuần như Su-24 không thể có được.

Kết quả Nga thu được từ hoạt động quân sự ở Syria

Dù Nga chưa rút toàn bộ lực lượng khỏi Syria nhưng giờ cũng không phải quá sớm để có thể nói về những thành quả của chiến dịch do Moscow phát động ở Syria. Bộ Quốc phòng Nga sẽ thu thập và phân tích thông tin về các vũ khí tham gia chiến dịch.

Theo giới phân tích, có những điểm đáng chú ý không thể bỏ qua sau khi Tổng thống Nga Valdimir Putin tuyên bố hoàn thành sứ mệnh ở Syria hôm 14/3.

Thứ nhất, Nga đã chứng tỏ được năng lực của quân đội nước này khi thực hiện hoạt động quân sự trong phạm vi nhất định ở một khu vực chiến đấu xa xôi, sử dụng các máy bay chiến đấu hiện đại và duy trì công tác hỗ trợ hậu cần.

Thứ hai, các hoạt động quân sự đã trở thành một chiến dịch quảng bá không thể tốt hơn cho các khí tài quân sự do Nga sản xuất đến với những khách hàng tiềm năng. Đơn cử như hợp đồng mua lô hàng máy bay chiến đấu Su-32 (phiên bản xuất khẩu của Su-34) mà Algeria đặt mua của Nga sau màn trình diễn ấn tượng của loại máy bay này trên chiến trường Syria.

Cuối cùng, có lẽ quan trọng nhất đó là sự tham gia của Nga ở Syria đã mang lại những lợi ích chính trị to lớn cho Moscow, tạo lợi thế cho đồng minh là chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Trong dài hạn, nó có thể trở thành một bước ngoặt trong quan hệ quốc tế đương đại./.