Trang quốc phòng Military-Today đã phân tích tổng thể các xe tăng trên thế giới dựa trên các chỉ số về khả năng tự bảo vệ, hỏa lực, độ chính xác và mức cơ động, và chọn ra 10 chiếc xe tăng “hầm hố” nhất trên chiến trường cùng các điểm mạnh và yếu của các xe đó.

xe_tang_1_my_uyix.jpg
Xe tăng M1A2 SEP của Mỹ. Ảnh: Military-Today.

Các xe tăng này đều rất mạnh và có sức hủy diệt đối thủ ở mức cao. Tuy nhiên người ta chưa chứng kiến cuộc thực chiến nào giữa các loại xe tăng này với nhau trong các chiến dịch quân sự.

Việc phân tích dựa trên các thông số và các dữ liệu có sẵn.

Danh sách dưới đây không bao gồm các xe tăng đang được phát triển hoặc mới ở giai đoạn mẫu thử nghiệm:

1. Xe tăng Leopard 2A7 của Đức

Đây là phiên bản mới đây của thiết kế Leopard 2 đã được chứng minh là thành công. Xe có thêm lớp giáp và hệ thống điện tử nâng cấp.

Xe tăng Leopard 2A7 được bảo vệ tốt trước các mối đe dọa thông thường và trong chiến tranh đô thị, như là đạn B-40 và các loại bom tự chế.

Xe tăng có tầm bắn xa hơn với độ chính xác cao hơn so với các xe tăng khác nhờ vào khẩu pháo uy lực và hệ thống kiểm soát hỏa lực tiên tiến.

Cỗ MBT này có một hệ thống truyền động cải tiến, giúp xe có tính cơ động dù trọng lượng xe tăng. Về khả năng hoạt động trên địa hình không phải là đường, xe giống loại xe tăng Leopard 2.

Lục quân Đức đặt mua một gói 20 chiếc Leopard 2A7, được nâng cấp từ Leopard 2A6, và đã nhận lô xe tăng này vào năm 2014.

Quân đội Đức có kế hoạch nâng cấp 50-100 xe tăng theo chuẩn của xe 2A7.

Qatar cũng đặt mua 62 xe này, còn Saudi Arabia thì đặt mua tới 200 chiếc.

2. Xe tăng K2 Black Panther (Hàn Quốc)

Hiện nay cỗ Black Panther là một những tăng chiến hiện đại nhất thế giới, đẳng cấp hơn bất cứ cỗ xe tăng nào mà Triều Tiên hoặc Trung Quốc có. Ngoài ra, đây cũng là cỗ xe tăng chủ lực đắt nhất thế giới cho đến hiện nay.

Xe tăng này sử dụng giáp composite và các module giáp nổ thụ động. Xe K2 cũng được bổ sung thêm hệ thống phòng thủ và chống trả chủ động. Hệ thống bảo vệ của xe này rất giống với xe tăng M1A2 Abrams, dù rằng K2 nhẹ hơn nhiều.

Chiếc xe tăng mới của Hàn Quốc này được vũ trang bằng pháo 120mm mới nhất của Đức, giống với pháo đặt trên cỗ xe tăng Leopard 2A6 và 2A7.

K2 Black Panther có một hệ thống kiểm soát hỏa lực rất tân tiến – nó có khả năng định vị, theo dõi và bắn tự động vào các mục tiêu kích thước to như là một chiếc xe. Nó cũng ngắm bắn tự động được cả các máy bay trực thăng bay thấp, mà không cần một pháo thủ nhập dữ liệu. K2 cũng sử dụng loại đạn hiện đại.

K2 Black Panther sử dụng một động cơ diesel rất khỏe. Xe có hệ thống truyền động thủy khí nhanh và tối tân.

Hiện xe tăng này chưa được sản xuất hàng loạt. Xe có thể sẽ sớm được đưa vào phục vụ trong lục quân Hàn Quốc.

3. Xe tăng M1A2 SEP (Mỹ)

Đây là phiên bản kế tiếp xe M1A2 Abrams. Xe này có công nghệ và lớp giáp ưu việt. Đây là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực đáng sợ nhất.

M1A2 SEP được tăng cường bảo vệ đáng kể trước tất cả các loại vũ khí chống tăng nổi tiếng. Chiếc xe tăng này sử dụng lớp giáp hiện đại được gia cố thêm bằng các lớp uranium nghèo.

Dù uy lực và độ chính xác của pháo M1A2 SEP thấp hơn xe Leopard 2A7, đây vẫn là một cú đấm đáng sợ trên chiến trường.

Động cơ turbine khí phức tạp của xe giúp xe có khả năng vận động tốt. Tuy nhiên động cơ này đòi hỏi phải bảo dưỡng nhiều, hỗ trợ hậu cần và rất hao nhiên liệu.

Một số xe tăng đời cũ hơn như M1, M1A1, và M1A2 được nâng cấp theo tiêu chuẩn này. Xe tăng có thể lắp thêm bộ hỗ trợ sinh tồn trong môi trường đô thị. Cho đến này rất ít xe tăng Abrams bị tiêu diệt trong thực chiến.

M1A2 SEP được phiên chế về lục quân Mỹ (ít nhất 900 chiếc). Người ta lên kế hoạch duy trì xe tăng này trong đội hình quân đội Mỹ cho đến sau năm 2050.

M1A2 SEP chưa được xuất khẩu. Tuy nhiên chiếc M1A2 đời trước đã được cung cấp cho Kuwait (218 chiếc) và Saudi Arabia (373 chiếc).

4. Xe tăng Challenger 2 (Anh)

Xe tăng có lớp giáp Chobham mới nhất và nằm trong số các xe tăng chiến đấu chủ lực được bảo vệ kỹ nhất thế giới ngày nay. Xe có cấp độ tự bảo vệ cực cao trước hỏa lực bắn thẳng của đối phương.

Cỗ xe tăng Anh này được vũ trang bằng pháo nòng rãnh xoắn 120mm có độ chính xác lớn. Trong khi đó các xe tăng MBT hiện đại khác đều dùng nòng trơn.

Tầm ngắm tối đa của xe là trên 5km. Hiện xe Challenger giữ kỷ lục về phát bắn hạ gục xe tăng ở cự ly xa nhất.

Động cơ xe Challenger 2 yếu hơn các xe tăng khác của phương Tây. Bên cạnh đó, xe không nhanh bằng các cỗ MBT khác. Tuy nhiên, xe tăng này nổi tiếng về mức độ tin cậy cơ khí.

Xe Challenger hiện phục vụ trong quân đội Anh (386 chiếc) và Oman (38).

5. Siêu tăng Armata (Nga)

Xe Armata là tăng chiến chủ lực của Nga thuộc thế hệ mới. Xe được công bố lần đầu vào năm 2015 và dự kiến được sản xuất trên quy mô lớn từ năm 2017 hoặc 2018.

Xe có một số đặc điểm hiện đại, ít điểm chung với xe tăng T-90 nhỏ hơn nhiều.

Các thông số của xe tăng được giữ bí mật. Tuy nhiên Armata có thể là một trong những cỗ xe tăng được bảo vệ tốt nhất thế giới. Xe có lớp giáp gốc mới phát triển, làm từ thép, gốm và composite. Ngoài ra xe còn có thêm một lớp giáp nổ thụ động. Nó cũng có một hệ thống đối phó mới làm giảm nguy cơ bị vũ khí chống tăng có dẫn đường đánh trúng.

Xe tăng có kíp chiến đấu gồm 3 người. Tất cả các kíp viên ngồi cạnh nhau trong lớp vỏ giáp chắc chắn đặt ở phía thân trước. Đó là xe MBT đầu tiên bố trí kíp chiến đấu theo mô hình như vậy. Xe tăng vẫn có thể hoạt động kể cả khi giáp bị xuyên thủng, miễn là vỏ bảo vệ kíp viên vẫn nguyên vẹn.

Xe tăng Armata cũng là xe tăng đầu tiên trên thế giới được sản xuất với một tháp pháo tự động hoàn toàn.

Xe tăng sát thủ này được vũ trang một pháo nòng trơn 125mm – pháo này phóng được cả tên lửa dẫn đường chống tăng. Pháo nạp đạn hoàn toàn tự động.

Tin tức cho hay xe này sử dụng động cơ diesel.

Việc tăng chiến Armata được công bố đã khiến phương Tây quan tâm sâu sắc. Hiện nay một số nước như là Đức và Anh đang tìm cách nâng cấp xe tăng của mình hoặc phát triển các mẫu xe mới.

6. Xe tăng Merkava Mk.4 của Israel

Đó là thiết kế mới nhất của Israel, phát triển từ xe Merkava Mk.3.

Merkava Mk.4 có một thiết kế đặc biệt với một động cơ đặt ở phía trước giúp kíp lái được bảo vệ thêm và có cơ hội sống sót nếu xe tăng bị bắn hạ.

Tất cả xe tăng dòng Merkava đều có một buồng phía sau dùng để chở thêm quân và hàng hóa. Khi không chứa đạn, xe có thể chở tới 10 lính.

Chiếc xe tăng Israel này được vũ trang bằng pháo nòng trơn 120mm. Merkava Mk.4 sở hữu hệ thống kiểm soát hỏa lực mới bao gồm các đặc điểm rất mới. Một ưu điểm là xác suất cao bắn trúng trực thăng bay tầm thấp bằng đạn thông thường.

Tính cơ động của Merkava Mk.4 chỉ ở mức trung bình do trọng lượng quá cỡ của nó, dù cho máy gắn một động cơ mạnh.

Merkava Mk.4 chỉ phục vụ trong quân đội Israel, với 360 chiếc do xe tăng này không xuất khẩu.

7. Xe tăng TK-X của Nhật Bản

Chiếc TK-X hay Kiểu 10 là phát triển mới nhất của Nhật Bản. Xe này phục vụ trong quân đội Nhật từ năm 2012. Hiện nay TK-X là một trong các tăng chiến chủ lực tiên tiến nhất trên thế giới.

Xe TK-X của Nhật. Ảnh: Military-Today.

Chiếc MBT hạng nhẹ mới này được ít bảo vệ hơn nhưng bù lại, nó linh hoạt hơn các xe tăng đương thời.

Xe được vũ trang bằng một khẩu 120mm nòng trơn, giống nhiều với pháo của xe Leopard 2A5 và xe M1A2 Abrams. Nó cũng có hệ thống kiểm soát hỏa lực tân tiến.

Xe tăng này có tính cơ động cao do tỷ lệ lực trên khối lượng rất ấn tượng và hệ thống truyền động tối tân.

8. Tăng chiến Leclerc của Pháp

Xe tăng chiến đấu chủ lực của Pháp được đưa vào phục vụ trong quân đội nước này năm 1992. Một số đặc điểm thiết kế của chiếc Leclerc sau đó được sử dụng trên các xe tăng phương Tây.

Chiếc Leclerc có giáp composite tiên tiến và giáp module bổ sung.

Chiếc MBT này có một kíp chiến đấu 3 người và thiết bị nạp đạn tự động. Xe có một pháo uy lực và xác suất lớn bắt trúng cả mục tiêu tĩnh và di động.

Xe tăng này có tính cơ động cao với động cơ 1500 mã lực và hệ thống truyền động thủy khí. Hiện xe này phục vụ trong quân đội Pháp (460 chiếc) và Các Tiểu Vương quốc Arab (388 chiếc).

9. Xe tăng T-90 của Nga

Xe tăng T-90 là xe tăng duy nhất được sản xuất với số lượng lớn ở Nga. Xe này không tinh vi như các xe của phương Tây nhưng bù lại rất hiệu quả trong thực chiến. Hiện đây là xe tăng chủ lực “ăn khách” nhất trên thị trường toàn cầu. Đây cũng là một trong các xe tăng rẻ nhất trong các xe MBT.

T-90 có diện bị quan sát là nhỏ nên đối phương khó ngắm bắn. Điểm yếu chính của T-90 là kho đạn trữ trong buồng chính. Một khi mà kho đạn này trúng phải hỏa lực đối phương thì tất cả kíp chiến đấu sẽ bị giết chết và xe tăng nổ tung. Điểm yếu này phổ biến trong tất cả các xe tăng Xô viết, Ukraine thời Xô viết, và cả xe tăng chủ lực của Trung Quốc. Xe tăng phương Tây có buồng riêng ở khung tháp pháo với các ô để hỗ trợ nổ văng ra ngoài.

T-90 không chính xác khi ngắm bắn mục tiêu tầm xa. Bù lại, nó có thể phóng tên lửa chống tăng dẫn đường giống như bắn đạn thông thường.

Phiên bản đầu của T-90 có tỷ lệ lực trên khối lượng thấp do động cơ yếu. Các mẫu sau này được gắn động cơ mạnh hơn.

T-90MS Tagil là phiên bản mới nhất có giáp mới, động cơ mới, pháo mới, tháp cải tiến và hệ thống quan sát và ngắm bắn nâng cấp.

T-90 hiện đang phục vụ trong lực lượng vũ trang Nga (xấp xỉ 700 chiếc), Algeria (305), Azerbaijan (20 chiếc), Ấn Độ (620 chiếc), Turkmenistan (40 chiếc) và Venezuela (50 – 100 chiếc).

10. Xe tăng Oplot-M (của Ukraine)

Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine tiếp tục phát triển tăng chiến chủ lực T-80UD. Phiên bản mới nhất của họ là Oplot-M.

Xe Oplot-M được gắn thêm giáp nổ thụ động thế hệ mới. Chiếc MBT này kế thừa hệ thống nạp đạn tự động của phiên bản trước nó. Dẫu vậy, kho đạn lại trữ trong buồng chính hơn là buồng riêng với các ô nổ trổ ra ngoài.

So với xe tăng phương Tây, xe tăng Ukraine phiên bản mới nhất không có độ chính xác khi bắn mục tiêu xa. Mặc dù vậy nó cũng phóng được rocket chống tăng.

Theo kế hoạch, xe này sẽ được phiên chế vào lục quân Ukraine. Xe cũng có mặt trong quân đội Thái Lan. Xe tăng này rất giống với xe T-90 của Nga về hỏa lực, mức độ tự bảo vệ và tính cơ động. Tuy nhiên, Oplot-M chỉ được chế tạo với số lượng nhỏ./.