Vào ngày 7/12 vừa qua, tàu khu trục USS Zumwalt (DDG-1000) bắt đầu các cuộc chạy thử trên biển. Zumwalt được xem là biểu tượng cho tương lai sức mạnh tác chiến trên biển của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên kế hoạch của Mỹ mua 32 chiếc tàu thuộc loại này giờ đây giảm xuống chỉ còn 3 chiếc cho mục đích thử nghiệm. 

zw_3_pxfn.jpg
 Tàu khu trục USS Zumwalt (DDG-1000). (ảnh: Hải quân Mỹ).
Zumwalt có chiều dài 182,9 m và độ giãn nước 14.564 tấn. Tàu sử dụng động cơ đẩy bằng điện, các hệ thống radar và dò tìm bằng sóng âm mới, các tên lửa và pháo cực mạnh. Đặc biệt, thiết kế tàng hình cho phép chiếc tàu “biến mất” trên màn hình radar. Nhờ vào các hệ thống tự động tối tân, tàu có thể hoạt động với số lượng thủy thủ đoàn ít hơn các tàu khu trục hiện hữu.
Zumwalt tượng trưng cho sự kỳ diệu của công nghệ, bao gồm những phát minh khiến nó trở nên khác biệt so với mọi tàu chiến trên thế giới. Giá trị của Zumwalt như một phương tiện thử nghiệm cho các khái niệm, thiết kế và công nghệ mới, qua thời gian, có thể vượt qua giá trị như một phương tiện quân sự. Theo nghĩa này, Zumwalt sẽ gia nhập hàng ngũ những tàu chiến thử nghiệm đã tạo ra bước đột phá về công nghệ.
Dưới đây là 5 tàu chiến thử nghiệm quan trọng nhất của thế giới trong thời hiện đại, theo đánh giá của chuyên san quân sự Mỹ The National Interest.
HMS Dreadnought
Vào năm 1905, hải quân Hoàng gia Anh đưa vào hoạt động HMS Dreadnought, tàu chiến đầu tiên trên thế giới được trang bị pháo hạm có cỡ nòng lớn. 
HMS Dreadnought năm 1906. (Ảnh: Wikipedia).
Các kiến trúc sư của Mỹ và Nhật Bản đã thăm dò tiềm năng của những chiếc tàu như thế, nhưng không ai tiến tới chế tạo nó với nhiệt huyết như Đô đốc Anh Jackie Fisher. Dreadnought ra đời từ sự kết hợp một loạt các giải pháp thiết kế mới, bao gồm cải thiện việc kiểm soát hỏa lực và trang bị hệ thống động lực ưu việt. Khi được biên chế, Dreadnought lập tức trở thành tàu chiến mạnh nhất thế giới, có tốc độ cao và được trang bị vũ khí nhiều hơn bất kỳ tàu chiến nào khác cùng thời điểm.
Dreadnought đã khơi mào cuộc đua tàu chiến cỡ lớn. Các cường quốc hải quân truyền thống lập tức đầu tư tài lực cho những đội tàu như Dreadnought, và các nước nhỏ hơn cũng sớm nối gót. Dreadnought phục vụ đến năm 1918 và trong thời gian đó đã từng đâm chìm một tàu ngầm Đức.
USS Monitor
Năm 1862, hải quân của liên bang miền bắc Mỹ đưa vào hoạt động tàu chiến USS Monitor. Đây không phải là chiếc tàu bọc sắt đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, con tàu được áp dụng nhiều ý tưởng đổi mới về công nghệ. 
Mô hình tàu USS Monitor.
Với một tháp pháo duy nhất bố trí trên chiếc bè kim loại dài, chiếc tàu trông rất khác biệt so với các tàu chiến khác lúc đó. Trong trận chiến Hampton Roads vào tháng 3.1862, Monitor của phe miền bắc đã đẩy lùi chiếc CSS Virginia của phe miền nam trong cuộc chiến đầu tiên giữa các tàu bọc sắt. Nhiều tháng sau đó, Monitor bị chìm trong một cơn bão khi đang trên đường đến North Carolina. Tuy nhiên, chiếc tàu đã tạo nền tảng cho sự phát triển của các tuần dương hạm bọc thép về sau.
HMS Furious
Vào năm 1915, hải quân Hoàng gia Anh hạ thủy chiến hạm HMS Furious. Furious giữ vai trò là tâm điểm của 2 cuộc thử nghiệm. Thử nghiệm đầu thất bại nhưng thử nghiệm thứ 2 thành công. Trong những ngày đầu của Thế chiến thứ nhất, Đô đốc Anh Jackie Fisher đã tìm kiếm những chiếc tàu chiến chuyên dùng để phục vụ việc chiếm bờ biển Baltic của Đức. 
Tàu HMS Furious. (Ảnh: Wikipedia).
Nỗ lực vận động của ông cuối cùng đã dẫn đến sự ra đời của Furious và hai “chị em” của nó. Furious, được gọi là một “tàu tuần dương hạng nhẹ”, có độ choán nước 20.000 tấn và được trang bị 2 pháo hạm 457 mm. Các kỹ sư sau đó đã sử dụng thân tàu để cải tạo thành tàu sân bay hạng nhẹ. Nỗ lực táo bạo này đã thành công khi chiếc tàu được “lên đời” có thể triển khai và thu hồi máy bay một cách hiệu quả. Quá trình thử nghiệm tiếp tục được xúc tiến trong và sau Thế chiến thứ hai, tạo ra một cuộc cách mạng về tác chiến trên biển.
USS Nautilus
Trong thời gian nổ ra Thế chiến thứ hai, hạm đội tàu ngầm điện - diesel của Mỹ đã chinh phục Thái Bình Dương và góp phần đánh bại hải quân đế chế Nhật Bản. Kinh nghiệm hoạt động trong chiến tranh cho thấy, các tàu ngầm điện - diesel có phạm vi hoạt động khá ngắn nên phải phụ thuộc vào các căn cứ hay tàu tiếp tế trong những hoạt động xa bờ. Bên cạnh đó, tàu rất dễ bị tấn công khi “nghỉ ngơi” trên mặt nước. 
Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Mỹ, USS Nautilus. (Ảnh: Hải quân Mỹ).
Giải pháp của Mỹ là năng lượng hạt nhân, các tàu ngầm sử dụng lò phản ứng hạt nhân để tạo năng lượng mà không cần nổi lên mặt nước, và có thể tuần tra liên tục khi dự trữ vũ khí và lương thực trên tàu còn đáp ứng được. Nautilus ra đời năm 1954 chủ yếu do tác động của Đô đốc Hyman Rickover. Chiếc tàu đã chứng tỏ được năng lực của một tàu ngầm hạt nhân và được xem là bước đột phá mới trong việc phát triển tàu ngầm. Sự xuất hiện của nó đã tác động sâu sắc đến sự phát triển của hạm đội tàu ngầm Mỹ.
Napoléon
Từ đầu thế kỷ 18, các hãng đóng tàu và nhà phát minh trên khắp thế giới bắt đầu thử nghiệm những chiếc tàu được trang bị động cơ hơi nước. Các tàu sử dụng động cơ hơi nước sau đó đã xuất hiện trong những thập niên đầu thế kỷ 19, nhưng gặp phải các vấn đề về bố trí thiết bị và vũ khí. 
Tàu Napoléon của nước Pháp. (Ảnh: Militaryfactory.com).
Vào giữa năm 1840, Anh và Pháp đã thử nghiệm giải pháp truyền động cho tàu bằng chân vịt thay cho các bánh guồng. Đến năm 1852, Pháp hạ thủy chiếc Napoléon, tàu chiến đầu tiên sử dụng chân vịt, đồng thời là tàu chiến hơi nước đầu tiên trên thế giới. Pháp đã điều chiến hạm Napoléon tham gia chiến tranh Crimea (1853 - 1856) trong thành phần của liên minh với Anh, đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) và vương quốc Sardinia (tiền thân nước Ý) chống lại nước Nga. Tàu Napoléon vẫn sử dụng kết hợp chân vịt và buồm để di chuyển trên biển, nhưng nó đánh dấu sự kết thúc của những tàu chiến chạy bằng buồm trên thế giới./.