Cơ quan Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ nước này khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa hiện đang khảo sát bờ biển phía Tây nước Mỹ để tìm những địa điểm có thể lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa mới.

thaad_mengnews_gtcq.jpg
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Ảnh: Mengnews.

Thông tin trên được hai nghị sĩ Quốc hội Mỹ tiết lộ mới đây.

Động thái nói trên diễn ra trong bối cảnh các vụ thử tên lửa của Triều Tiênlàm gia tăng mối quan ngại về cách thức tự bảo vệ của nước Mỹ trước một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Hệ thống phòng thủ tên lửa ở bờ biển phía tây nước Mỹ nhiều khả năng sẽ bao gồm hệ thống Phòng thủ tên lửa Tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), giống hệ thống triển khai ở Hàn Quốc để đối phó với khả năng tấn công từ phía Triều Tiên.

Áp lực gia tăng

Nhịp độ chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong năm 2017 cùng với nguy cơ quân đội Triều Tiên có thể phóng một quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào lãnh thổ Mỹ trong vài năm tới đã làm tăng áp lực lên chính phủ Mỹ trong việc xây dựng các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Vào ngày 29/11, Triều Tiên đã thử một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới có thể bay xa trên 13.000km, đặt thủ đô Washington trong tầm bắn.

>> Xem thêm: Mức độ nguy hiểm của tên lửa đạn đạo Hwasong-15

Nghị sĩ Cộng hòa Mỹ Mike Rogers, nằm trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ và là Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng Chiến lược giám sát phòng thủ tên lửa, cho biết: Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) đang có ý định lắp đặt thêm hệ thống phòng thủ tên lửa ở các địa điểm trên khu vực bờ biển phía Tây của nước Mỹ.

Tuy nhiên nguồn tiền cho hệ thống này không nằm trong ngân sách quốc phòng 2018, cho thấy việc triển khai hệ thống này có thể còn lâu mới diễn ra.

Nghị sĩ Rogers nói với Reuters bên lề Diễn đàn Quốc phòng Regan tổ chức ở nam California rằng “đó chỉ là vấn đề địa điểm và MDA đang đề xuất về địa điểm đáp ứng các tiêu chí của họ cùng như về tác động lên môi trường”.

Nhưng sau đó nghị sĩ Rogers lại nói với Reuters rằng ông “không biết về các nỗ lực của Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc xác định vị trí cho hệ thống phòng thủ tên lửa ở bờ biển phía Tây”. Ông này có nói thêm rằng những bình luận trước đó mà ông đưa ra với Reuters “không nên được xem như sự xác nhận về nỗ lực đó của quân đội”.

Trưởng bộ phận liên lạc toàn cầu của Reuters, Abbe Serphos, cho biết họ bảo vệ tin tức mình đã đưa.

Khi được hỏi về kế hoạch triển khai nói trên, Phó Giám đốc MDA Chuẩn đô đốc Jon Hill ra thông báo nói rằng “Cơ quan Phòng thủ Tên lửa” không nhận được chỉ đạo nào về việc tìm địa điểm lắp đặt THAAD ở bờ biển phía Tây.

MDA là một đơn vị của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Nghị sĩ Quốc hội Rogers không tiết lộ vị trí chính xác mà cơ quan MDA này đang xem xét nhưng có nói rằng hiện có một số vị trí “ứng viên”.

Nghị sĩ Rogers và nghị sĩ Adam Smith cho biết chính phủ đang xem xét lắp đặt ở bờ biển phía Tây hệ thống THAAD do hãng Lockheed Martin sản xuất.

THAAD hiệu quả hơn

THAAD là một hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực đặt trên mặt đất, được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Việc lắp đặt hệ thống này chỉ mất vài tuần.

Ngoài hai hệ thống THAAD triển khai ở Hàn Quốc và Guam (Thái Bình Dương), Mỹ có 7 hệ thống THAAD khác.

Một đại diện của hãng vũ khí Lockheed Martin từ chối bình luận về việc triển khai cụ thể THAAD nhưng cho biết thêm rằng công ty này “sẵn sàng ủng hộ Cơ quan Phòng thủ Tên lửa và chính phủ Mỹ trong các nỗ lực phòng thủ tên lửa đạn đạo”. Người này cho biết thêm, việc thử nghiệm và triển khai các thiết bị này là quyết định của chính phủ Mỹ.

Hồi tháng 7, Mỹ đã thử nghiệm hệ thống THAAD và bắn rơi một quả tên lửa đạn đạo mô phỏng tầm xa bay tới. Vụ thử thành công này làm tăng thêm uy tín về độ tin cậy của chương trình phòng thủ tên lửa của quân đội Mỹ.

Hiện nay lục địa Mỹ chủ yếu được bảo vệ bằng “lá chắn” của hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo giữa hành trình (GMD), bố trí ở các bang Alaska và California cũng như hệ thống Aegis triển khai trên boong các tàu hải quân Mỹ.

Hệ thống THAAD có tỷ lệ thành công trong thử nghiệm cao hơn nhiều so với GMD.

Hồi tháng 6, cơ quan MDA có nói với Quốc hội Mỹ rằng họ có kế hoạch giao thêm 52 thiết bị đánh chặn THAAD cho lục quân Mỹ trong giai đoạn từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018, nâng tổng số lượng bàn giao lên con số 210 tính từ tháng 5/2011.

Trong khi đó, theo phía Hàn Quốc, mặc dù quả tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Triều Tiên đặt thủ đô của Mỹ trong tầm bắn, Bình Nhưỡng vẫn phải chứng tỏ được họ đã làm chủ các công nghệ tên lửa quan trọng như hồi quyển (trở lại khí quyển), dẫn đường giai đoạn cuối và kích hoạt đầu đạn hạt nhân./.