Hôm 1/12, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác định tên lửa Triều Tiên phóng vào ngày 29/11 là một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới có thể bay xa hơn 13.000km.

ten_lua_hwasong_7_dm_okxt.jpg
Vị trí xuất kích (màu đỏ bên trái) và vị trí rơi (vòng tròn bên phải) của tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên, phóng vào hôm 29/11. Đồ họa: Daily Mail.

Trong báo cáo gửi Quốc hội Hàn Quốc, bộ này nói rằng họ tin Triều Tiên đã thực hiện thành công vụ phóng đó.

Khác biệt đáng kể

Tên lửa Hwasong-15 được phóng từ một địa điểm nằm về phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng, đi xa 950km và lên tới độ cao 4.475km trước khi rơi xuống biển.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc có đoạn: “Vụ thử được đánh giá là thành công. Trong trường hợp tên lửa được phóng ở góc thông thường, nó có khả năng bay xa hơn 13.000km, tức là có thể tới thủ đô Washington [của Mỹ]”.

Tuy nhiên, bộ này cũng bổ sung thêm rằng cần kiểm chứng thêm về giai đoạn hồi quyển, công nghệ dẫn đường chính xác giai đoạn cuối và điều kiện đầu đạn trước khi kết luận liệu quả tên lửa tầm xa này có đáng tin cậy hay không.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc mô tả Hwasong-15 là một quả ICBM mới với dáng vẻ và các đặc điểm khác hẳn với phiên bản tên lửa đạn đạo liên lục địa trước đó – Hwasong-14.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, dựa trên phân tích các bức ảnh do Triều Tiên công bố hôm 30/12, quả tên lửa mới dài hơn tên lửa cũ 2m, đường kính rộng hơn tên lửa cũ 0,4-0,8m.

Ngoài ra hệ thống xe chở-dựng-phóng (TEL) của Hwasong-15 có 9 bánh xe mỗi bên, trong khi xe của tên lửa Hwasong-14 có 8 bánh mỗi bên.

Xe chở-dựng-phóng của tên lửa Hwasong-15. Ảnh: KCNA.

Giai đoạn đầu trong quỹ đạo bay của Hwasong-15 sử dụng hai động cơ Hwasong-14, theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. Phân tích động cơ giai đoạn 2 vẫn đang diễn ra.

Trong khi đó, một chuyên gia Mỹ hôm 30/11 cho biết, tên lửa liên lục địa mới của Triều Tiên có thể được triển khai vào năm 2018 sau một số cuộc thử nghiệm nữa.

Xuyên được lá chắn tên lửa của Mỹ?

Michael Elleman, nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), viết: “Hwasong-15 lớn hơn đáng kể so với Hwasong-14, và các tính toán ban đầu chỉ ra rằng tên lửa mới có thể mang vũ khí hạt nhân kích cỡ vừa phải tới bất cứ thành phố nào trên lục địa Mỹ”.

“Hwasong-15 cũng đủ lớn và mạnh để mang theo các mồi nhử đơn giản và các biện pháp phòng tránh khác nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) hiện nay của Mỹ”.

Theo Elleman, tên lửa mới có cơ chế lái hiệu quả và đơn giản hơn và có thể mang một đầu đạn 1 tấn tới bất cứ điểm nào trên lãnh thổ Mỹ”.

Elleman bổ sung thêm, Triều Tiên “gần như chắc chắn” phát triển được một đầu đạn hạt nhân nặng dưới 700kg.

Elleman viết: “Dáng hình của Hwasong-15 đánh dấu bước cải tiến đáng kể trong năng lực của Triều Tiên đối phó Mỹ. Mức độ thử thêm sẽ phụ thuộc vào nhu cầu đối phó của nước này”.

Triều Tiên sẽ cần kiểm tra tên lửa về đường bay tiêu chuẩn, chứ không phải là bay theo phương gần thẳng đứng, ít nhất một hoặc hai lần để kiểm chứng khả năng thực của tên lửa mới, và thêm vài lần để bảo đảm mức độ tin cậy và chính xác của tên lửa.

Chuyên gia Elleman dự đoán thêm: “Nhưng Triều Tiên có thể chỉ cần thử thêm 2-3 lần nữa trong 4-6 tháng tới trước khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Hwasong-15 đã sẵn sàng cho tác chiến”.

Đơn vị tình báo không quân mới

Trong khi đó, Không quân Mỹ ngày hôm nay (1/12) cho biết họ đã lập ra một đơn vị tình báo, theo dõi và trinh sát trên không (ISR) lớn hơn nhằm đáp trả mối đe dọa ngày càng lớn về hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên.

Nhánh tình báo không quân Hàn Quốc được trao nhiệm vụ theo dõi các hoạt động liên quan của Triều Tiên 24/24, có phối hợp với Mỹ. Các cơ sở, thiết bị của ISR bố trí trên bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc đã đẩy mạnh các nỗ lực củng cố năng lực ISR – một điều kiện tiên quyết để giành lại quyền kiểm soát tác chiến thời chiến từ tay Mỹ.

Nước này có kế hoạch đưa hai phi cơ không người lái RQ-4 Global Hawk vào sử dụng trong năm tới, và 2 chiếc nữa vào năm 2019. Nhánh mới của không quân Hàn Quốc sẽ phụ trách việc vận hành các thiết bị này.

Đại tá Kang Yoon-seok, chỉ huy đơn vị này, nói: “Sứ mệnh của đơn vị là thông tin và thực hiện theo dõi đối phó các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Chúng tôi sẽ nỗ lực tổng lực để phát hiện sớm các chỉ dấu về một cuộc tấn công của đối phương bằng việc duy trì hoạt động ISR 24/24.”

Đơn vị mới này thay thế phi đoàn tình báo chiến thuật số 37 của không quân Hàn Quốc.

Trong bối cảnh căng thẳng lại gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 30/11 cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm vào Triều Tiên.

Phát biểu với phóng viên trước cuộc gặp với thủ tướng Lybia, ông Mattis nói rằng ông không sẵn lòng thừa nhận giải pháp ngoại giao đã thất bại.

Ông Mattis nói: Chúng tôi sẽ tiếp tục giải pháp ngoại giao, làm việc thông qua Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, ông Mattis cũng nói thêm rằng, các nhà ngoại giao Mỹ sẽ đồng thời phát biểu từ vị trí của bên mạnh vì “chúng tôi có các lựa chọn quân sự”./.