Nhắc tới hàng không mẫu hạm (tàu sân bay) người ta thường liên tưởng tới những con tàu uy lực hạng nhất, với những khả năng ưu việt khi tham chiến. Hiện có ít nhất 42 hàng không mẫu hạm đang phục vụ cho khoảng 14 lực lượng hải quân các nước trên thế giới. Hàng không mẫu hạm có nhiều kiểu dáng và kích thước, trong đó có những mẫu hạm chở được những phi đội máy bay chiến đấu lớn và máy bay tấn công điện tử. Một số mẫu hạm chỉ chuyên chở trực thăng. Một số chạy bằng năng lượng hạt nhân, một số chạy nhiên liệu đơn giản là gas. Trên một số hàng không mẫu hạm, máy bay có thể cất-hạ cánh thẳng đứng, hoặc có hệ thống hỗ trợ cất-hạ cánh...
Tuy nhiên, có những hàng không mẫu hạm được xếp vào danh sách “thảm họa” vì ít được sử dụng và kể cả khi được sử dụng nó cũng không hoạt động được hết so với công suất thiết kế. Business Insider liệt kê danh sách 7 mẫu hạm “thảm họa” nhất vẫn đang phục vụ trong lực lượng hải quân các nước. Những mẫu hạm này từng xảy ra những sự cố hay hỏng hóc và không hoàn thành được các sứ mệnh của mình.
1. Liêu Ninh của Trung Quốc
Được đưa vào biên chế của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc năm 2012, Liêu Ninh (Liaoning) là hàng không mẫu hạm lớp Kiev, được một doanh nhân Hong Kong (Trung Quốc) mua lại trong một thương vụ tại sòng bài năm 1998.
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trong một cuộc tập trận quân sự tại Tây Thái Bình Dương hôm 18/4/2018 vừa qua. Ảnh: Reuters |
Đây là hàng không mẫu hạm đầu tiên của quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau khi đưa vào sử dụng Liêu Ninh đã phát sinh sự cố về dò hơi nước và mất điện.
Từng xảy ra sự cố rò hơi nước gây ra một vụ nổ thổi bay hệ thống cấp điện trên tàu. Từ đó, Liêu Ninh không còn được tin dùng và chỉ được sử dụng phần lớn với vai trò là một mẫu hạm huấn luyện.
2. Đô đốc Kuznetsov của Nga
Kuznetsov cũng là một hàng không mẫu hạm lớp Kiev, hiện đang trong quá trình sửa chữa và không sẵn sàng trở lại hoạt động trước năm 2021.
Tháng 10/2016, Kuznetsov được triển khai tới Syria và đã phát sinh sự cố khó hiểu khi phun ra những cột khói đen lớn. “Vấn đề chính của mẫu hạm này là sự cố khó hiểu ở hệ thống động cơ”, Business Insider dẫn lời ông Dmitry Gorenburg- một nhà khoa học tại Trung tâm Phân tích Hải quân cho biết.
Hình ảnh khói đen bốc lên từ hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov được máy bay giám sát của Na Uy chụp lại trên vùng biển quốc tế phía Bắc Na Uy vào ngày 17/10/2016. Ảnh: Reuters |
Được đưa vào biên chế sử dụng của Hải quân Nga từ năm 1995, hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov đã gặp một sự cố nghiêm trọng năm 1996 và ngừng hoạt động cho đến năm 1998. The National Interest mới đây cũng đã xếp Đô đốc Kuznetsov vào danh sách 5 mẫu hạm “thảm họa” nhất.
3. Tàu Chakri Naruebet của Thái Lan
Khi được biên chế năm 1997, hàng không mẫu hạm Chakri Naruebet được thiết kế để chở theo một phi đội máy bay, nhưng đến năm 2006, mẫu hạm này chỉ còn chở theo một trực thăng, với nguyên nhân chủ yếu là do các vấn đề ngân sách.
Mặc dù Chakri Naruebet từng được sử dụng sau trận sóng thần khủng khiếp trên Ấn Độ Dương năm 2004 và từng tham gia các chiến dịch cứu hộ lũ lụt ở Thái Lan những năm 2010 và 2011, song mẫu hạm này chủ yếu nằm tại cảng trong phần lớn thời gian 20 năm phục vụ cho Hải quân Thái Lan.
Hàng không mẫu hạm Chakri Naruebet của Hải quân Thái Lan. Ảnh: US Navy |
Chakri Naruebet không gặp nhiều vấn đề về hỏng hóc hay các vấn đề khi vận hành, tuy nhiên, mẫu hạm của Hải quân Thái Lan vẫn bị xếp vào danh sách này vì đơn giản là nó không được sử dụng hết công năng của mình.
4. USS Wasp của Mỹ
Hàng không mẫu hạm USS Wasp không được triển khai trực chiến trong 7 năm qua, kể cả trong thời gian cao điểm của các cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Song lý do của điều này đến nay vẫn là bí ẩn.
Wasp là một tàu đổ bộ tấn công và gần đây còn chở theo các máy bay F-35B. Tuy nhiên, mẫu hạm này hoàn toàn vắng mặt trong các cuộc triển khai lớn của quân đội Mỹ ít nhất từ năm 2004 đến 2011.
Lý do Wasp không được triển khai vẫn là một bí ẩn. Ảnh: US Navy |
Một người phát ngôn Hải quân Mỹ năm 2013 cho biết, sự vắng mặt của Wasp là do con tàu này được “sử dụng cho các cuộc thử nghiệm triển khai máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ”. Tuy nhiên, lý do này phù hợp với giai đoạn 2011-2013.
“Đây không phải là lý do tại sao Wasp không được triển khai. Điều này là vô lý khi không triển khai một mẫu hạm trong nhiều năm”, một Tướng Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu nói với Thời báo Hải quân (Marine Times) năm 2013.
5. HMAS Canberra của Australia
Được biên chế năm 2014, HMAS Canberra là tàu sân bay mang theo trực thăng và là một trong hai mẫu hạm của Hải quâng Hoàng gia Australia.
Hàng không mẫu hạm HMAS Canberra tới Chân Châu Cảng năm 2016. Ảnh: US Navy |
Dù HMAS Canberra tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018 (Vành đai lửa Thái Bình Dương 2018, do Mỹ dẫn đầu), song trước đó mẫu hạm này được đưa về cảng từ 3/2017 do gặp các vấn đề về động cơ nghiêm trọng. Theo dự kiến ban đầu, HMAS Canberra chỉ mất khoảng 10 ngày để sửa chữa, song đến 5/2017, Canberra thông báo mẫu hạm vẫn đang được sửa chữa. “Đây có thể là vấn đề về thiết kế”, Thiếu tướng Hải quân Adam Grunsell thông báo với ABC hồi tháng 5/2017.
Một trong những vấn đề những vấn đề của HMAS Canberra là lỗi ở động cơ lái gây rò rỉ dầu tới sang các khu vực khác của động cơ.
6. HMAS Adelaide của Australia
Được biên chế năm 2015, sau HMAS Canberra một năm, HMAS Adelaide là hàng không mẫu hạm thứ 2 của Hải quân Hoàng gia Australia.
Hình ảnh hàng không mẫu hạm HMAS Adelaide. Ảnh: US Navy |
HMAS Adelaide đã tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018 và trước đó cũng bị đưa về cảng cùng năm 2017 với HMAS Canberra vì cùng lý do.
Cả hai hàng không mẫu hạm của Australia biên chế gần như cùng thời điểm và cùng gặp những sự cố giống nhau cho thấy nguyên nhân có thể bắt nguồn từ thiết kế của những con tàu này.
7. USS Gerald R. Ford của Mỹ
Hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford lần đầu tiên ra mắt vào 8/4/2017 tại cảng Newport News, Virginia, Mỹ. Được biên chế cho Hải quân Mỹ chỉ 3 tháng sau đó, The USS Gerald R. Ford là tàu sân bay uy lực nhất và có khả năng mang nhiều máy bay nhất từng được đóng. Tuy nhiên, mẫu hạm này đã bị “xếp xó” vì liên tiếp gặp sự cố và không sẵn sàng trực chiến một năm sau khi được vào biên chế.
Hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford. Ảnh: US Navy/Getty |
Vào 4/2017 và 1/2018, USS Gerald R. Ford được đưa về cảng vì sự cố. Đến 5/2018, USS Gerald R. Ford vận hành thử nghiệm sau sửa chữa, song lại được đưa trở lại cảng sau 3 ngày vì lỗi động cơ. Mẫu hạm này cũng có vấn đề với hệ thống khởi động máy bay điện từ hiện đại và hệ thống bánh răng tiên tiến được thiết kế cho các máy bay cất-hạ cánh.
Trong email trả lời Business Insider, chuyên gia tàu chiến Eric Wertheim cho rằng: “Điều quan trọng là phải có thời gian để vận hành thử nghiệm các tàu chiến và các hệ thống vũ khí phức tạp. Kể cả khi đó là một thiết kế tàu chiến thành công nhất, thì nó vẫn thường xảy ra nhưng sự cố khi mới vận hành, nhưng sau đó nó sẽ được hoàn thiện. Nếu một tàu chiến vẫn hoạt động kém hiệu quả sau một thập kỷ hoặc hơn, thì có lẽ đây không phải là một thiết kế ưu việt”./.