Bất chấp những hoài nghi lớn về việc thông qua Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), thỏa thuận nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran để đổi lại việc nước này hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của họ đã bước vào năm thứ hai thực hiện mà không có cú sốc lớn nào. Dẫu vậy, rất nhiều nhà phân tích lo ngại về tương lai của thỏa thuận vốn được cho là mốc son trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.

download_lqab.jpg
Trong chiến dịch tranh cử của mình, tân Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ bãi bỏ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức).

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu điều đó có đơn giản như khẩu hiệu tranh cử hay ông Trump sẽ thực sự hành động để rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran? Khi trả lời câu hỏi này, bất cứ ai cũng phải nhớ rằng bên nào đơn phương hủy bỏ một thỏa thuận quốc tế đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tán thành có thể chịu những tác động tiêu cực.

Trang The Diplomat đăng phân tích của học giả Sina Azodi, cựu trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm quốc tế dành cho các học giả Woodrow Wilson đưa ra 3 viễn cảnh về tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA trong vài năm tới.

1.    Mỹ bãi bỏ hoặc đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân Iran

Với khuynh hướng phá cách táo bạo của mình, ông Trump rất có thể sẽ thực hiện lời hứa khi tranh cử là rút Mỹ khỏi JCPOA hoặc là thúc đẩy đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân Iran này.

Tuy nhiên việc đơn phương rút lui sẽ tổn hại đến lợi ích của Mỹ và thậm chí có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng quốc tế.

Các nhà ngoại giao Iran với sự hậu thuẫn của nhiều quan chức cấp cao trong Liên minh châu Âu (EU) đã khẳng định những cam kết chắc chắn của họ đối với những điều khoản của JCPOA hiện nay và từ chối khả năng đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân này.

Ngoài ra, Iran cũng đã cảnh báo về những hậu quả của việc đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1. Trong một diễn biến mới nhất, Giám đốc Tổ chức năng lượng nguyên tử của Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi vừa cảnh báo nước này có thể khôi phục chương trình hạt nhân nếu Mỹ quyết định rút khỏi JCPOA.

Vì thế, nếu chính quyền của ông Trump quyết định đơn phương từ bỏ JCPOA, tân Tổng thống không chỉ đẩy Mỹ và EU vào nguy cơ bất đồng mà có thể ảnh hưởng tới bất cứ sự hợp tác nào trong tương lai giữa 2 bên về những vấn đề tương tự.

Iran chỉ đưa ra quyết định đàm phán nghiêm túc về chương trình hạt nhân của nước này sau khi chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama tạo được một liên minh quốc tế nhằm gây sức ép với nước này.

Nhưng hiện nay thì dường như chính quyền của Tổng thống Donald Trump khó lòng quy tụ được sự ủng hộ rộng rãi như thế. Chính quyền mới đang có những bước đi chệch choạc với cả Trung Quốc và EU, nghĩa là với 2/3 thành viên của nhóm P5+1. Vì thế, các nước này có thể sẽ không ủng hộ việc Mỹ rút khỏi JCPOA hay bất cứ “sáng kiến” nào muốn đàm phán lại thỏa thuận này.

Ngay cả trong lòng nước Mỹ, nhiều quan chức, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng và giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) do chính ông Trump bổ nhiệm cũng không giấu diếm những quan ngại về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Nếu rút khỏi JCPOA, nước Mỹ sẽ tự khiến mình bị chỉ trích vì sự đổ vỡ của một thỏa thuận đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tán thành. Điều này có thể để lại những hậu quả cho hình ảnh của nước Mỹ trên trường quốc tế và quan trọng hơn là đối với cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Iran vốn có lịch sử khéo léo dùng một cường quốc để chống lại áp lực từ một cường quốc khác. Ví dụ như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Iran đã dùng Mỹ để trấn áp Nga. Sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran đã đàm phán với Đức, Pháp và Anh (EU-3) để tránh nguy cơ xung đột với Mỹ.

Và ngày nay, Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong cuốn sách của ông có tên "Ngoại giao hạt nhân và An ninh quốc gia" (Nuclear Diplomacy and National Security) đã nói rõ rằng chiến lược của Iran là đàm phán một thỏa thuận với châu ÂU để có thể tạo những rạn nứt giữa Mỹ và EU liên quan đến vấn đề hạt nhân của Tehran.

Khi xem xét tất cả những mảnh ghép này, chúng ta có thể thấy rằng nếu Mỹ quyết định đơn phương rút khỏi JCPOA và tăng cường áp lực với Iran, các nhà hoạch định chính sách ở Tehran nhiều khả năng sẽ phản ứng bằng cách xích lại gần gới với EU và Trung Quốc, khoét sâu hơn những trục trặc hiện nay giữa chính quyền mới của Mỹ với những nước này.

Ngoài ra Iran cũng có thể đình chỉ một số cam kết theo khuôn khổ của JCPOA mà điều này chắc chắn chỉ dẫn tới khả năng Mỹ có các biện pháp trừng phạt để đáp trả và cuối cùng sẽ dẫn tới sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Việc Mỹ rút khỏi JCPOA cũng sẽ tạo đà cho phe cứng rắn ở Iran vốn phản đối thỏa thuận này trỗi dậy và có thể giành lại quyền lực, tái hiện chính trường Iran trong cuộc bầu cử năm 2004 khi ông Mahmoud Ahmadinejad trở thành Tổng thống. Lúc đó, quan hệ giữa Mỹ và Iran sẽ càng thêm phức tạp.

2.     Mỹ ép Iran phải vi phạm thỏa thuận

Điều này sẽ cho phép Mỹ có quyền chỉ trích Iran vì đã vi phạm JCPOA và mở đường cho các lệnh trừng phạt bổ sung với nước này. Nhưng sự sụp đổ của JCPOA có thể dễ dàng dẫn tới một cuộc khủng hoảng quốc tế, tổn hại đến những lợi ích của Mỹ. Chính vì thế, đây sẽ là một con đường quá nguy hiểm để Mỹ theo đuổi.

Trong tình hình hiện nay, không có nhiều khả năng Iran đình chỉ những cam kết theo khuôn khổ JCPOA nhưng vì thay đổi trong tính toán lợi ích nào đó Iran cũng có thể quyết định “giữ thể diện” bằng cách nối lại các hoạt động hạt nhân như trước đây.

Iran gần đây cũng đã tuyên bố sẽ có phản ứng “cứng rắn” sau khi Quốc hội Mỹ gia hạn Đạo luật trừng phạt Iran (ISA). Thực tế, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã ra lệnh cơ quan nguyên tử của Iran lên kế hoạch thiết kế và vận hành hệ thống lực đẩy hạt nhân cho tàu biển.

Nó là một thông điệp cho thấy Iran sẵn sàng đáp trả mọi sự vi phạm nào đối với JCPOA. Tuy nhiên, diễn đạt của sắc lệnh này cho thấy nó mới chỉ dừng lại ở động thái mang tính biểu tượng thay vì hành động thực tế và chủ yếu nhằm trấn an chính trị nội bộ.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ hiện do phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả 2 viện đang trình dự luật mới nhằm mở rộng trừng phạt đối với Iran.

Lãnh tụ tối cao của Iran đã tuyên bố rằng bất cứ lệnh trừng phạt mới nào cũng sẽ bị xem là vi phạm JCPOA. Chính quyền Iran sẽ bị đặt vào thế khó. Nếu Iran vẫn tuân thủ cam kết của họ thì sẽ trái lại mệnh lệnh của lãnh tụ tối cao Khamenei, nhưng nếu đáp trả thì họ có nguy cơ bị chỉ trích vì vi phạm thỏa thuận hạt nhân với P5+1.

Nhà phân tích Sina Azodi tin rằng nếu bị dồn ép, Iran nhiều khả năng sẽ chọn nối lại hoạt động hạt nhân như trước khi có JCPOA bởi lựa chọn này không phá hủy hoàn toàn thỏa thuận, đồng thời giảm thiểu cái giá mà họ có thể phải trả khi làm điều đó.

3.    Mỹ tiếp tục thực thi JCPOA

Đây là viễn cảnh nhiều khả năng xảy ra nhất nếu xét đến sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với JCPOA. Nhà phân tích Sina Azodi cho rằng vì thiếu phương án tốt hơn để thay thế nên lợi ích lớn nhất cho Mỹ và cộng đồng quốc tế là tiếp tục giám sát nghiêm túc và thực thi thỏa thuận hạt nhân với Iran này.

Tuy nhiên, nhà phân tích Sina Azodi cho rằng việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ được giám sát chặt chẽ hơn.

Năm 2016, trữ lượng nước nặng của Iran có vượt mức cho phép của JCPOA một chút dù sau đó họ đã nhanh chóng xử lý vấn đề này. Lúc đó chính quyền của cựu Tổng thống Obama quyết định không phản ứng lại nhưng điều đó sẽ không tái diễn dưới chính quyền của ông Trump. Tân Tổng thống Mỹ có thể chớp lấy cơ hội trừng phạt Iran vì những sai lầm dù là nhỏ nhất.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể tiếp tục thực hiện JCPOA nhưng sẽ hạn chế bất cứ lợi ích nào mà Iran có thể nhận được từ thỏa thuận này ví dụ như khuyến khích các ngân hàng Mỹ làm ăn trở lại với Iran như thời Tổng thống Obama.

Các nước tham gia thỏa thuận này đều mong được hưởng lợi từ kết quả của nó và khi không đạt được mục tiêu đó họ có thể sẽ thay đổi để giảm thiểu thiệt hại. Cũng như vậy, Iran đã tham gia đàm phán nghiêm túc để mong vực dậy nền kinh tế kiệt quệ của họ và nếu không thấy được thành quả nào từ đó, nước này cũng có thể nối lại hoạt động hạt nhân trước kia.

Một yếu tố cũng tác động đến tương lai của JCPOA và quan hệ Mỹ - Iran là sự bất đồng nội bộ chính quyền của ông Trump. Cụ thể, trong khi Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn ủng hộ thay đổi chính sách của Tổng thống thì Ngoại trưởng Rex Tillerson lại hoài nghi về sự thay đổi này. Thay vào đó, ông Rex Tillerson cho rằng Mỹ nên thực hiện JCPOA một cách nghiêm ngặt hơn.

Sự bất đồng đó có thể khiến chính quyền mới của Mỹ thiếu một chiến lược thống nhất đối với Iran và vì thế phương án tốt nhất là nên thực hiện nghiêm túc JCPOA.

Các bên đã nỗ lực tìm được một giải pháp cùng có lợi và trong trường hợp này, dù có một số than phiền, Iran rõ ràng không thiệt thòi khi tuân thủ JCPOA, vì thế, họ cũng sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận này./.