Chính sách hình sự của nhà nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người công dân có ích cho xã hội. Thể chể hóa chính sách này trong Luật Hình sự và Tố tụng hình sự đã có những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cũng như chế tài áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội mang tính nhân đạo cao. Tuy nhiên để bảo đảm bảo tốt hơn quyền của trẻ em và đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới, chúng ta đã và đang tiếp tục bổ sung hoàn thiện chính sách hình sự đối với trẻ em ngày càng nhân đạo và hiệu quả hơn.

Nguyên tắc bao trùm mang tính chất chỉ đạo thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam là lấy giáo dục làm nền tảng, trọng tâm trong quá trình xử lý vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên... Các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội nặng về giáo dục, giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh để họ trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội chứ không nặng về trừng phạt…

Về hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, Nhà nước có chính sách: Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, Tòa án hạn chế áp dụng hình phạt tù. Ông Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính-Hình sự, Bộ Tư pháp cho biết: Những quy định cụ thể đó đã thể hiện rất rõ chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội và trong dự thảo sửa đổi luật hình sự lần này chúng ta tiếp tục đưa ra các quy định hạn chế tối đa việc áp dụng hình phạt tước quyền tự do đối với người chưa thành niên phạm tội, tăng các biện pháp giáo dục cải tạo tại cộng đồng và biện pháp hỗ trợ khác.       

“Với tinh thần bảo vệ tốt nhất lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên phạm tội và tránh tối đa khả năng đưa các em vào con đường tố tụng hình sự, dự thảo Luật Hình sự lần này đổi mới tư duy trên tinh thần trong một số trường hợp người chưa thanh niên phạm một số tội nhất định thì cho phép cơ quan tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các em mà đưa ra biện pháp xử lý mang tính chất cải tạo tại gia đình, cộng đồng và xã hội…”, ông Dũng cho biết thêm.       

Việc Nhà nước quy định nguyên tắc người chưa thành niên có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có đủ những điều kiện luật định càng thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước ta, đồng thời thể hiện rõ nét đường lối xử lý về hình sự, đó là: Bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa các biện pháp cưỡng chế hình sự nghiêm khắc nhất của Nhà nước với các biện pháp tác động xã hội khác để cải tạo, giáo dục người phạm tội, bằng cách đó hạn chế áp dụng các biện pháp mang tính trấn áp (trừng trị) về mặt hình sự. Thể chế hóa chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước đối với người chưa thành niên phạm tội, pháp luật Tố tụng hình sự Việt Nam sửa đổi cũng đưa ra những quy định về thủ tục tố tụng dành cho người chưa thành niên khi họ là bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự như khi xét xử phải có mặt của người giám hộ hay đại diện hợp pháp, đảm bảo một cách tốt nhất quyền bào chữa cho đối tượng này.

Đặc biệt trong Luật Tố tụng hình sự cũng như các văn bản luật khác liên quan có quy định khi bắt giữ người chưa thành niên phạm tội thì cơ quan tố tụng phải thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý để thực hiện sự trợ giúp pháp lý cho các em. Theo Luật sư Nguyễn Đức Năng, Công ty Luật Dragon - Hà Nội thì đây là quy định rất tiến bộ đảm bảo quyền bào chữa bảo vệ của trẻ em trước cơ quan tố tụng.

“Không phải trẻ em nào hay gia đình các em cũng có điều kiện để mời luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Do vậy pháp luật quy đinh bắt buộc phải có luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý đến hỗ trợ đó là cần thiết thể hiện chính sách bảo vệ trẻ em…”, Luật sư Nguyễn Đức Năng nhấn mạnh.

Tiến sỹ Nguyễn Cảnh Quý - Phó Chủ nhiệm Khoa Nhà nước và pháp luật - Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Chính sách hình sự của Nhà nước ta đề cao tính nhân đạo, coi trọng vai trò giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên, bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Pháp luật đã có những quy định tiến bộ, bao trùm từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đến việc áp dụng các biện pháp có tính chất phòng ngừa.

Tuy nhiên chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội chưa thể hiện được sự phân hóa trong xử lý đối với những trường hợp nảy sinh trong cuộc sống nên có lúc tác dụng của chính sách này chưa cao, vì vậy trong lần sửa đổi luật hình sự và tố tụng hình sự lần này nên có quy định áp dụng trách nhiệm hình sự đối với từng lứa tuổi cụ thể hơn thì vừa bảo vệ tối đa quyền trẻ em vừa đảm bảo được công tác phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

“Nên cụ thể hóa, chi tiết hóa hơn nữa. Ví dụ độ tuổi đủ 14 tuổi đến 16 tuổi thì có chính sách và mức hình phạt khác với độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi. Tất nhiên không phải nhấn mạnh vấn đề hình phạt mà cần tiếp tục quan tâm đến chính sách cải tạo giáo dục các em”, Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Quý nêu ý kiến.        

Dù vẫn còn những hạn chế nhất định trong quy định và thực thi chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, nhưng những quy định trong pháp luật Hình sự và Tố tụng hình sự của Việt Nam đã và đang tiến đến sự thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật trong nước và phù hợp với các văn bản pháp luật quốc tế mà Nhà nước ta đã tham gia, ký kết đã tạo điều kiện giúp các em có cơ hội được giáo dục, nhận ra lỗi lầm để phục hồi nhận cách, có cơ hội trở thành người tốt./.

Nghe âm thanh tại đây: