Vụ việc Lý Thị N (trú ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thuê người chặt chân, tay giả hiện trường một vụ tai nạn đường sắt hòng trục lợi bảo hiểm vừa bị cơ quan công an lật tẩy đang gây chấn động dư luận. Phóng viên VOV.VN đã trao đổi với luật sư để làm rõ thêm trách nhiệm pháp lý của các đối tượng trong vụ việc này.

hien_truong_tai_nan_mris.jpg
Hiện trường "vụ tai nạn giao thông đường sắt" trong đêm (Ảnh: ANTĐ)
Luật sư Vũ Thị Thanh (Công ty Luật INTERCODE, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, đối với hành vi của đối tượng Doãn Văn D (SN 1995, nhà ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội), người được Lý Thị N thuê dùng hung khí gây thương tích cho N. Trong trường hợp này, mặc dù được N thuê và trả công hoặc hứa trả song Doãn Văn D bắt buộc phải nhận thức được hành vi chặt tay, chân của chị N là trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của N, thấy trước được hậu quả của hành vi đó, đồng thời mong muốn hậu quả thương tích cho nạn nhân xảy ra.

Doãn Văn D có thể phải chịu trách nhiệm về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” theo Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999.

Chưa xét đến tỷ lệ thương tật của Lý Thị N, nhưng theo kết luận giám định thì Doãn Văn D đã có thể bị xử lý theo khoản 1 Điều 104 BLHS với tình tiết định khung: “Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê”.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, do Lý Thị N đã bị cụt 1/3 tay trái và 1/3 chân trái, bàn tay và bàn chân đã bị đứt rời (đã được chữa trị nhưng bị hoại tử nên phải tháo bỏ) nên tỷ lệ thương tật của chị N chắc chắn sẽ lớn hơn 11%.

Cùng phân tích với Luật sư Vũ Thị Thanh, Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng cho dù Lý Thị N có thuê hay bất cứ động cơ nào khác, đối tượng Doãn Văn D vẫn phải chịu trách nhiệm về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999. Kết quả giám định của Cơ quan chuyên môn về tỷ lệ thương tật của Lý Thị N sẽ là căn cứ xử lý đối tượng theo qui định tại Điều 104 BLHS. Kể cả trong trường hợp tỷ lệ thương tật của Lý Thị N là dưới 11% thì D vẫn bị xử lý theo khoản 1 Điều 104 BLHS với tình tiết định khung: Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê.

Xét hành vi của Lý Thị N, luật sư Vũ Thị Thanh cho rằng, do cơ quan công an phát hiện kịp thời và làm rõ nên Lý Thị N không đạt được mục đích trục lợi số tiền bảo hiểm nhân thọ, hậu quả chiếm đoạt tài sản (trục lợi bảo hiểm) chưa xảy ra, nên trên thực tế hành vi của N chưa cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi 2009 (đang có hiệu lực hiện nay).

Cụ thể: Khoản 4, Khoản 5 Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015 (chưa có hiệu lực) đã bổ sung thêm Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác”.

Theo luật sư Vũ Thị Thanh, đây là những tội phạm có cấu thành vật chất nên buộc phải có hậu qủa chiếm đoạt đã xảy ra mới có thể xử lý. Lý Thị N đã có hành vi thuê người khác hủy hoại sức khỏe của mình để trục lợi bảo hiểm nhưng do bị phát hiện, ngăn chặn sớm ngay từ ban đầu nên chưa chiếm đoạt được tiền của Công ty bảo hiểm. Do đó, hành vi của chị N chưa đến mức phải xử lý về mặt hình sự. Đối với trường hợp này, cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính đối với N.

Một số ý kiến cho rằng có thể xử phạt hành chính đối với N về hành vi “báo tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền” theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và một số lĩnh việc khác, tuy nhiên, theo tôi, việc báo tin là do Doãn Văn D thực hiện nên không thể xử phạt đối với N về hành vi báo tin giả được.

 “Theo quan điểm của tôi, hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam, không có quy định nào truy cứu trách nhiệm người có hành vi tự hủy hoại bản thân phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nhìn một cách bao quát, khi xã hội càng phát triển thì những hành vi phạm tội càng đa dạng và tinh vi. Chính vì vậy, nhân việc Bộ luật Hình sự 2015 đang được chỉnh lý, các nhà làm luật nên có cái nhìn rộng và xa hơn nữa để dự liệu các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra trong đó có trường hợp này và phải bị nằm trong vùng điều chỉnh, tránh tình trạng các quy phạm pháp luật hình sự lỗi thời không theo kịp hay dự liệu được sự thay đổi cuộc sống”, luật sư Vũ Thị Thanh kiến nghị.

Phân tích sự việc ở góc nhìn nhân đạo, luật sư Đặng Thị Nhung (Công ty Luật TNHH Nguyễn Đỗ và Cộng sự) cho đây là vụ việc mang tính chất khá nghiêm trọng xét cả từ góc độ luật pháp và cách hành xử, suy nghĩ thiển cận của một số người khi quá đề cao giá trị đồng tiền mà bất chấp đến tính mạng, sức khỏe của bản thân. Ở đây người bị hại lại đồng thời là người chủ mưu, thực hiện ý đồ có tổ chức, có tính toán. Thật sự đáng tiếc khi sự việc đã xảy ra. Chưa bàn đến hậu quả pháp lý, ai là người sẽ phải chịu trách nhiệm và chịu đến đâu, nhưng suy cho cùng hậu quả nhãn tiền mà đối tượng đang phải chịu đó là mang thương tật vĩnh viễn khi tuổi còn quá trẻ và phía trước còn quá nhiều cơ hội để họ có thể tận dụng thay vì đầu tư chất xám cho một sự tính toán không đâu chỉ vì mong muốn thu lợi, trục lợi một khoản tiền bảo hiểm./.