Năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã Ban hành chỉ thị số 36-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự và thông qua Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự giai đoạn 2015-2020; thành lập Ban chỉ đạo, có quy chế hoạt động cụ thể, thống nhất lãnh đạo công tác chuyển hóa địa bàn toàn tỉnh. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, với nòng cốt là lực lượng Công an và sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân đã góp phần giải quyết dứt điểm nhiều địa bàn phức tạp về ANTT, mang lại bình yên cho nhân dân.

Ngày nào cũng vậy, dù mưa hay nắng, đại úy Quàng Văn Thủy, phó trưởng Công an phụ trách xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và đồng đội lại có mặt tại địa bàn các bản mình phụ trách, cùng các nhóm liên gia tự quản, các già làng, người có uy tín đến từng nhà dân để hỏi thăm tình hình đời sống, lao động sản xuất của bà con. Theo đại úy Quàng Văn Thủy và ông Lò Văn Dung, trưởng nhóm liên gia tự quản số 1, người có uy tín ở  bản Thôm: Đây là cách bám bản, bám dân, vừa thắt chặt tình cảm, vừa kịp thời nắm bắt tình hình trong dân, quản lý tốt người ra, người vào địa bàn, tuyên truyền vận động bà con không nghe lời kẻ xấu, không vi phạm pháp luật, tích cực lao động sản xuất và đấu tranh, tố giác tội phạm.

Chính từ sự phối hợp chặt chẽ này, nhóm liên gia tự quản số 1 bản Thôm trước có 3 hộ có người mắc tệ nạn xã hội, giờ đã từ bỏ và hiện nhóm không còn tệ nạn, không còn hộ đói nghèo. “Trước tiên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ các cấp ủy đảng chính quyền địa phương đến chính quyền bản. Thứ 2, được sự tin tưởng của quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh tội phạm và ủng hộ các lực lượng tham gia công tác chuyển hóa địa bàn”. “Ngoài tuyên truyền vận động nhân dân từ bỏ buôn bán, hút chích, tàng trữ chất ma túy, còn đến từng hộ gia đình ký cam kết tố giác tội phạm. Tạo điều kiện cho những hộ gia đình có con em lầm lỗi đi cải tạo, trở về hòa nhập cộng đồng”.- Đại úy Quàng Văn Thủy và ông Lò Văn Dung chia sẻ.

Cùng với Ban chỉ đạo tỉnh Sơn La, Công an tỉnh, các địa phương cũng thành lập Ban chỉ đạo ở cấp mình, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, quyết liệt vào cuộc và có nhiều cách làm sáng tạo để chuyển hóa các địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự.

Với sự quyết tâm và cách làm này, mà đến nay, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ - địa danh nổi tiếng cả nước về ma tuý đã không còn là điểm nóng được nhắc tới mà thay vào đó là những kết quả về phát triển kinh tế xã hội. Hàng loạt chuyên án đã được triển khai, cùng với triệt phá các đường dây ma tuý, bắt giữ những đối tượng cộm cán, lực lượng công an còn là nòng cốt trong giúp dân thay đổi nhận thức, tập trung làm ăn kinh tế.

Còn tại xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên và xã Suối Tọ, huyện Phù Yên-2 trọng điểm phức tạp vì bị tác động bởi luận điệu tuyên truyền “Nhà nước Mông”, lực lượng công an lại chọn giải pháp củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó từng bước nâng cao nhận thức của người dân và triệt phá thành công âm mưu thành lập tổ chức phản động ở đây (Chuyên án P915).

“Chúng ta phải xác định địa bàn trọng điểm thuộc lĩnh vực về an ninh trật tự hoặc trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở rà soát xác định có kế hoạch để tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng để tuyên truyền vận động, đấu tranh chuyển hóa”. -Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, phó trưởng phòng tham mưu, Công an tỉnh Sơn La cho biết.

Tại huyện Thuận Châu, Ban chỉ đạo chuyển hoá địa bàn trọng điểm phức tạp với 19 thành viên do đích thân Phó Bí thư thường trực huyện ủy làm trưởng ban, trực tiếp chỉ đạo từng phần việc, từng thành viên trong thực hiện các mặt công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. Với quyết tâm, mỗi  năm huy động tổng lực tập trung giải quyết 01 xã trọng điểm và lựa chọn một số thôn, bản, tiểu khu của các xã, thị trấn có tình hình phức tạp để tổ chức vận động cấp bản, 5 năm qua huyện Thuận Châu đã chuyển hóa thành công và đề nghị Bộ Công an đưa 4 xã Phổng Lái, Mường Bám, Tông Lạnh, Thôm Mòn ra khỏi diện trọng điểm phức tạp; đồng thời tổ chức 88 cuộc vận động tại 126 thôn, bản, tiểu khu của 29 xã, thị trấn, giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp phát sinh.

Trung tá Phạm Đình Tuyên, phó trưởng Công an huyện Thuận Châu cho biết: “Năm 2020, toàn huyện đã thực hiện vận động chuyển hóa tại 15 bản của 10 xã, chuyển hóa cấp độ bản, trong xã nhưng lại chọn bản. Đó là một cách vận dụng trọng tâm, mang tính chất cụ thể hơn”.

Nếu như huyện Thuận Châu chọn giải pháp dồn tổng lực thực hiện chuyển hoá địa bàn 1 xã trong 1 năm, thì huyện Mộc Châu lại chọn giải pháp kết hợp giữa chính sách an sinh xã hội và nghiệp vụ của lực lượng công an. Lấy ví dụ từ bản Pha Đón – 1 trong những địa bàn nổi tiếng phức tạp về an ninh trật tự ở huyện đã được chuyển hoá.

Bà Phạm Thị Nhung, phó Bí thư thường trực huyện ủy Mộc Châu chia sẻ: Ngoài tập trung hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xóa đói giảm nghèo từ các chương trình dự án đầu tư của Nhà nước, huyện còn huy động sự tham gia của Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng trao tặng 63 tivi và bộ đầu thu cho các hộ gia đình giữ vững cam kết “nói không với ma túy. “Để chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, phải nghĩ đến giải pháp căn cơ hơn đó là làm thế nào để cuộc sống của nhân dân tốt hơn, giảm được tỷ lệ hộ nghèo tốt nhất. Thế và những tiếp cận của người dân với điện chiếu sáng, nghe đài, xem tivi và mọi lĩnh vực của đời sống phải tốt hơn”.

Thành công bước đầu của dự án với nhiều điểm nóng về an ninh trật tự đã được chuyển hoá thành những bản làng bình yên đã khẳng định quyết tâm và nhiều cách làm sáng tạo từ chủ trương, chính sách, của cả hệ thống chính trị, nhiều mô hình tự quản. Bên cạnh đó, việc quan tâm phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân cũng đóng vai trò quyết định trọng chuyển hóa địa bàn.

Ngày 10/9/2015, HĐN tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 114 quy định nội dung, mức chi kinh phí thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015-2020 (Tổng kinh phí hỗ trợ đến nay là 33 tỷ đồng).

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã mở 49 cuộc vận động toàn dân tham gia chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự cấp xã tại 42 địa bàn theo quyết định của Bộ Công an và 7 địa bàn phát sinh; 362 cuộc vận động cấp tổ, bản, tiểu khu.

Đến nay, 9 địa bàn đã có quyết định của Bộ Công an đưa ra khỏi diện trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự; 22 địa bàn được UBND tỉnh công nhận là địa bàn an toàn về ANTT; 14 địa bàn đang chờ quyết định của Bộ Công an đưa ra khỏi diện phức tạp về ANTT.

Qua công tác đấu tranh trấn áp của các lực lượng chức năng và sự tham gia tố giác tội phạm từ nhân dân, nhiều đường dây tội phạm về ma túy, các tụ điểm phức tạp về ANTT đã bị triệt phá, tình trạng di cư tự do, tranh chấp đất đai, khiếu kiện đông người giảm hẳn.