Dự án Luật đặc xá (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận sáng nay 7/11. Đây là đạo luật quan trọng nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với người phạm tội, bị kết án phạt tù nhằm khuyến khích họ cải tạo tốt hơn, sớm được trở lại với cộng đồng. Vì sao phải sửa Luật đặc xá hiện hành và sẽ có thêm những đối tượng nào được hưởng đặc xá?
Phạm nhân trại giam Ninh Khánh, Ninh Bình. |
Luật đặc xá hiện nay có hiệu lực thi hành từ năm 2008. 10 năm qua, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước với tổng số hơn 87.000 người được đặc xá.
Đa số đã về đúng địa chỉ cư trú và đều được Công an địa phương hướng dẫn, đăng ký cư trú, cấp giấy tờ tùy thân. Trong đó, gần 50.000 người được đặc xá đã có việc làm và thu nhập ổn định. Công tác hòa nhập cộng đồng đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư vào công tác cảm hóa, giúp đỡ người được đặc xá. Tỷ lệ người có hành vi vi phạm pháp luật, tái phạm tội chỉ chiếm 1,16% với hơn 1000 người.
Phạm nhân cải tạo tốt sẽ có cơ hội đặc xá. |
Việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn; đồng thời tạo sự đồng thuận ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân.
Thêm nhiều đối tượng được hưởng đặc xá
Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, nhiều quy định của Luật đặc xá 2008 cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Về thời gian thực hiện quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, trong Luật hiện hành chưa quy định cụ thể nên trong thực tế, thời gian tổ chức thực hiện các công việc đặc xá trong mỗi đợt thường là quá ngắn (khoảng 60 ngày) nên gây nhiều áp lực, bị động cho cơ quan tổ chức thực hiện. Do đó, dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) quy định: Tờ trình và dự thảo Quyết định về đặc xá phải được trình lên Chủ tịch nước chậm nhất là 60 ngày trước thời điểm đặc xá để Chủ tịch nước xem xét, ban hành Quyết định về đặc xá. Quy định trên sẽ bảo đảm cho công tác đặc xá được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Về đối tượng đặc xá, ngoài 2 đối tượng hiện nay là: người bị kết án phạt tù có thời hạn, đang chấp hành hình phạt tù; người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù, Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) bổ sung thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (người này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như người đang chấp hành hình phạt tù, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù).
Sẽ có thêm nhiều đối tượng được xét đặc xá |
Đó là các tội liên quan đến phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế- xã hội, tội phá hoại chính sách đại đoàn kết, tội làm-tàng trữ -phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tội phá hoại an ninh, tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội sản xuất trái phép chất ma túy... Với những người phạm các tội danh trên, phải chấp hành ít nhất ½ thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, ít nhất là 17 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Xét đặc xá cho những người có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định: đối với trường hợp người bị kết án về tội phạm khác không phải là tội tham nhũng mà đã chấp hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, không thể thực hiện được phần nghĩa vụ còn lại thì vẫn được xét đặc xá nếu có quyết định của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác còn lại đó theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Quy định này của dự thảo Luật thể hiện đầy đủ ý nghĩa của chính sách đặc xá, tạo công bằng xã hội và là động lực của những người bị kết án có hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự (không phải do họ cố tình chây ì, không tự nguyện chấp hành án) phấn đấu cải tạo tốt.
Về thực hiện Quyết định đặc xá đối với phạm nhân là người nước ngoài, trong Luật hiện hành chưa quy định cụ thể thủ tục tiến hành bảo hộ công dân đối với phạm nhân là người nước ngoài được Việt Nam đặc xá. Do đó, trên thực tế, có một số trường hợp đến ngày công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho phạm nhân là người nước ngoài nhưng không có người của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mà người đó là công dân đến nhận, dẫn đến việc trại giam gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xử lý. Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) sẽ có những quy định cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn này.
Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 20/11/2018 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2019./.