Khó khăn trong việc quản lý thị trường thực phẩm tác động đến người dân và hàng triệu khách du lịch, xuất hiện sản phẩm "nhái" thương hiệu OCOP, tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy "núp bóng" các cơ sở kinh doanh khách sạn, quán bar...

vov_5_fdya.jpg
Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh Đỗ Văn Lực trả lời chất vấn về tình trạng gia tăng tội phạm ma túy núp bóng cơ sở kinh doanh, du lịch.

Năm 2019, số liệu bắt giữ, xử lý đối tượng về ma túy tổng hợp của Quảng Ninh tăng 27% về số vụ, 44% về đối tượng, xuất hiện tình trạng lợi dụng hoạt động du lịch, các cơ sở kinh doanh có điều kiện (karaoke, quán bar, nhà nghỉ, khách sạn) để mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép ma túy, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự và môi trường du lịch.

Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, Đại tá Đỗ Văn Lực cho biết, 70% đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp là ở độ tuổi thanh niên, tổ chức sinh nhật, liên hoan để sử dụng ma túy và có sự tiếp tay, "lấy hộ" của nhân viên cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, nguy cơ các đối tượng lợi dụng tàu nghỉ đêm trên vịnh, trên đảo tư nhân để tổ chức sử dụng ma túy cũng tiềm ẩn rất cao.

"Qua kiểm tra chúng tôi phát hiện rất nhiều cơ sở tổ chức sàn nhảy, karaoke trái phép, phát hiện 38 vụ trong các nhà hàng, cơ sở lưu trú, quán karaoke. Chúng tôi đã truy tố 88 đối tượng. Riêng đối với các tàu nghỉ đêm trên vịnh, lực lượng công an kiểm soát rất chặt chẽ. Tại thành phố Hạ Long thì vi phạm chủ yếu là các khu vực du lịch. Đây là vấn đề rất nhức nhối", Đại tá Đỗ Văn Lực nói.

Vật chứng sử dụng ma túy tại bị lực lượng công an bắt giữ tại quán karaoke tại TP Hạ Long.

Nhận định chế tài xử lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện chưa đủ sức răn đe, lực lượng chống ma túy ở cấp huyện còn mỏng,... Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh đề xuất tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong kiểm tra, kiểm soát, áp dụng "quả đấm thép" để siết chặt quản lý Nhà nước tại các cơ sở kinh doanh, đẩy mạnh tuyên truyền của ngành giáo dục.

Liên quan đến công tác quản lý an toàn thực phẩm, các đại biểu cũng chất vấn Giám đốc Sở Y tế về việc quản lý bếp ăn của hơn 3000 nhà hàng, khách sạn, tàu du lịch cung cấp cho du khách. Mặc dù nhiều năm qua Quảng Ninh không để xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm lớn nhưng công tác quản lý vẫn còn nhiều hạn chế. Với những sản phẩm thực phẩm có tiếng của Quảng Ninh được du khách tin dùng như OCOP cũng đã xảy ra tình trạng "nhái", dán logo OCOP khiến người tiêu dùng lầm tưởng.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh việc kiểm soát chất lượng thực phẩm là nhiệm vụ trọng điểm của Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các ngành phải vào cuộc quyết liệt và có cơ chế phối hợp cụ thể hơn, không chỉ kiểm soát trên địa bàn mà còn phải chặn đứng nguy cơ từ biên giới và ngoại tỉnh. Ông Nguyễn Xuân Ký cũng khuyến cáo người dân sử dụng quyền người tiêu dùng mạnh mẽ hơn để tẩy chay xóa bỏ các cơ sở vi phạm, cùng chính quyền cải thiện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

"Chậm nhất đến năm 2021 không còn cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong khu dân cư, tất cả các huyện, thị xã, thành phố phải có cơ sở giết mổ tập trung đạt tiêu chuẩn. Tới đây phải hoàn thành sớm việc xây dựng một phòng kiểm nghiệm thực phẩm đạt chuẩn. Đây là việc cần làm trọng điểm của tỉnh du lịch. Phải tập trung hình thành cơ sở cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân, du khách thông minh hơn", ông Nguyễn Xuân Ký nói./.