Tuy nhiên, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết chỉ nhất trí bồi thường hơn 1,4 tỉ đồng.

Sau nhiều lần hòa giải không thành công về mức bồi thường oan sai, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Trị hướng dẫn cho vợ chồng ông Lộc khởi kiện ra tòa.

ong_loc_vov_kwgd.jpg
Ông Phan Chí Lộc, nạn nhân trong vụ án oan sai.

Vợ chồng ông Phan Chí Lộc, 67 tuổi, và bà Nguyễn Thị Hòa, 58 tuổi, đang sống trong một ngôi nhà thuê trên đường Nguyễn Thái Học, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Hơn 9 năm trước, vợ chồng ông Lộc làm nghề buôn bán, có nhà 3 tầng ở trung tâm thành phố, cuộc sống rất khá giả. Hai vợ chồng ông Lộc bị cơ quan chức năng khép vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau 9 năm bị oan sai, nay họ được trả lại sự trong sạch. Theo ông Phan Chí Lộc, từ một gia đình khá giả, giờ trở về với đôi bàn tay trắng, vợ chồng ông đưa ra mức yêu cầu bồi thường thiệt hại oan sai với số tiền gần 30 tỉ đồng.

“Sau khi bị giam vào trong trại giam đúng 1 năm, tình hình kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Trong vụ án này chúng tôi không có tội mà là người bị oan. Chúng tôi yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Trị bồi thường những thiệt hại mà họ đã gây nên cho chúng tôi là gần 30 tỷ, nhưng thương lượng của Viện Kiểm sát đưa ra mức hơn 1 tỷ. Tôi không chấp nhận và khởi kiện ra tòa”, ông Lộc nói.

Ông Lộc kể lại, trong thời gian sang Australia, ông gặp Dương Thị Minh Phụng và được người này giới thiệu có thể lo đưa người Việt sang định cư tại Austrailia. Sau đó, ông Lộc bảo vợ chuyển cho Nguyễn Thị Yến Nhi, người thân của bà Phụng, trú tại quận 4, TP. Hồ Chí Minh số tiền hơn 300 triệu đồng để lo cho gia đình ông được định cư tại Australia.

Khi cùng về quê ông Lộc ở tỉnh Quảng Bình, bà Phụng hướng dẫn cho những người có nhu cầu sang Australia làm thủ tục và yêu cầu họ nộp từ 100 đến 360 triệu đồng/người, tùy vào nhu cầu du học hay xuất khẩu lao động.

Theo hướng dẫn của bà Phụng, vợ chồng ông Lộc đã nhận giúp hồ sơ và tiền của người dân có nhu cầu sang Australia rồi chuyển cho Nhi và Phụng hoàn tất thủ tục.

Tổng số tiền mà vợ chồng ông Lộc đã nhận rồi chuyển cho Nhi và Phụng là 7,5 tỉ đồng, 22.000AUD và 2.800 USD. Trong tổng số tiền đã chuyển, có hơn 1 tỉ đồng là tiền của ông Lộc và bà Hòa đứng ra vay mượn giúp cho người thân. Dù đã nhận tiền nhưng bà Phụng không thực hiện cam kết. Khi biết bị lừa, các nạn nhân gửi đơn tố cáo, sau đó ông Lộc bị bắt tạm giam để điều tra.

Trải qua nhiều phiên tòa, vợ chồng ông Lộc bị Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Trị tuyên phạt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và hai người phải bồi thường gần 5,5 tỉ đồng và 16.200 USD cho các bị hại.

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức công khai xin lỗi vợ chồng ông Lộc, bà Hòa.

Ông Lộc dẫn chứng, tại bản kết luận này nhận định vợ chồng ông là bị hại, và toàn bộ số tiền của các bị hại đều do bà Phụng chiếm đoạt, nhưng cuối cùng vẫn kết luận vợ chồng ông phạm tội.

Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ra quyết định tuyên hủy bản án để điều tra lại. Đến lúc hết thời hạn điều tra vẫn không đủ cơ sở chứng minh vợ chồng ông Lộc phạm tội, không tìm thấy đối tượng Phụng và Nhi, nên vụ án được tạm đình chỉ điều tra bị can đối vợ chồng ông Lộc.

Sau khi gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng, Tỉnh ủy Quảng Trị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc. Tiếp đó, cơ quan chức năng đã đình chỉ điều tra bị can đối với vợ chồng ông Lộc.

Đối với mức bồi thường oan sai mà vợ chồng ông Lộc đưa ra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị chỉ nhất trí bồi thường hơn 1,4 tỉ đồng. Sau nhiều lần hòa giải không thành công về mức bồi thường oan sai, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã hướng dẫn vợ chồng ông Lộc khởi kiện ra tòa. 

Bà Lê Thị Hồng Đào, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết, ngày 29/6, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tổ chức xin lỗi, cải chính công khai đối với ông Phan Chí Lộc và bà Nguyễn Thị Hòa theo luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước.

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Trị chính thức xin lỗi cải chính công khai đối với ông Phan Chí Lộc và bà Nguyễn Thị Hòa vì đã khởi tố, bắt giam truy tố không đủ căn cứ pháp luật.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, những người thực hiện nhiệm vụ, những người tiến hành tố tụng đã áp dụng pháp luật thiếu chính xác dẫn đến làm oan đối với ông.

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, các cấp có thẩm quyền cũng đã xem xét xử lí trách nhiệm của các cá nhân trong việc để xảy ra sai sót.

"Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng đã tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để đền bù thiệt hại về tinh thần, vật chất cho ông Phan Chí Lộc và bà Nguyễn Thị Hòa”, bà Lê Thị Hồng Đào nói./.