Những nhầm lẫn ban đầu

Theo Channel News Asia, cho tới ngày 12/2 tại Singapore mới chỉ có hai nhân viên tại nhà thờ Grace Assembly of God (Hội Ân điển của Chúa) được xác định nhiễm SARS-CoV-2. Chỉ chưa đầy 3 tuần sau, số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có tiếp xúc với 2 người này đã tăng vọt lên 17.

trung_tam_chi_huy_plsr.jpg
Trung tâm chỉ huy chịu trách nhiệm điều phối thông tin về "dấu vết" SARS-CoV-2 giữa cảnh sát Singapore và Bộ Y tế nước này. Ảnh: Cảnh sát Singapore

Ngay lập tức, Bộ Y tế Singapore vào cuộc để lần theo “dấu vết” các cuộc tiếp xúc giữa những người nhiễm SARS-CoV-2 nói trên với những người khác với hy vọng sẽ nhanh chóng kiểm soát được tình hình.

Tuy nhiên, họ nhận thấy, việc này đòi hỏi phải có sự trợ giúp từ Cục Điều tra Hình sự (CID) bởi CID là đơn vị chuyên trách có khả năng thu thập thông tin nhanh chóng từ nhiều nguồn khác nhau cũng như biết “đặt đúng câu hỏi đối với đúng đối tượng”.

CID cho biết, ban đầu, mỗi ngày có khoảng 50 nhân viên của họ đảm trách công việc này. Tuy nhiên, sau đó, do khối lượng công việc tăng lên đáng kể, họ đã phải huy động thêm 50 người khác làm việc liên tục, đặc biệt là đối với các “ca khó” khi chưa thể xác định được danh tính của những người tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Các nhân viên của CID đã phải chia làm 2 nhóm: Một nhóm chuyên thẩm vấn và nhóm còn lại đảm nhận việc phân tích các thông tin thu thập được. Đối tượng mà họ đặc biệt quan tâm là Trường hợp số 48 – một người đàn ông 34 tuổi – người đầu tiên được xác định lây nhiễm SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân ở nhà thờ Hội Ân điển của Chúa.

Mọi thông tin về Trường hợp số 48 được Bộ Y tế và các cơ quan chức năng khác của Singapore cung cấp cho nhóm phân tích của CID. Nhóm này sử dụng hàng loạt các phần mềm khác nhau để đặt ra nhiều giả thiết liên quan đến Trường hợp số 48. Những giả thiết này sau đó được đội thẩm vấn tiến hành điều tra để đưa ra kết luật cuối cùng.

CID cho biết, họ đã trải qua nhiều ngày làm việc liên tục mà “không đạt được kết quả khả quan nào”. Bà He Minghui, thành viên nhóm phân tích thừa nhận: “Có quá nhiều vấn đề trong suốt quá trình làm việc”, cho đến khi họ nhận ra rằng, họ cần phải chuyển hướng.

Ông Johnny Lim và bà He Minghui - 2 trong số các thành viên của CID tham gia vào việc truy lùng "dấu vết" SARS-CoV-2. Ảnh: Mediacorp

Mấu chốt từ trường hợp số 66

CID sau đó tập trung sự chú ý vào Trường hợp số 66 – một đối tượng khác cũng được xác định lây nhiễm SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân ở nhà thờ Hội Ân điển của Chúa – và có những dấu hiệu nhận biết lây nhiễm sớm hơn hẳn những người khác. Hồ sơ của Trường hợp số 66 ghi lại rằng, người đàn ông 28 tuổi này có tham dự lễ hội chào đón Tết Nguyên Đán tại khu Mei Hwan Drive vào ngày 25/1.

Ông Johnny Lim, thành viên nhóm thẩm vấn của CID nhớ lại, ngay sau khi có thông tin này, nhóm của ông đã phải tiếp cận với rất nhiều đối tượng khác nhau và cũng rất lo ngại về nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 do tiếp xúc quá gần với những người này.

Sau khi thu thập thêm thông tin về Trường hợp số 66, nhóm của ông Lim có được một bản danh sách sơ bộ gồm 30 người. Họ tiếp tục thẩm vấn 30 người này để có thêm những thông tin khác cung cấp cho nhóm phân tích. Ông Lim cho biết, nhóm thẩm vấn phải hạn chế tối đa các câu hỏi nhằm tránh trường hợp những người bị thẩm vấn cảm thấy quá khó chịu dẫn đến không hợp tác.

Cùng thời gian đó, nhóm phân tích khoanh vùng các đối tượng cần tập trung điều tra. Trong số này, họ đặc biệt quan tâm đến 2 người từng tham gia lễ hội chào đón Tết Nguyên Đán như Trường hợp số 66. Hơn thế nữa, 2 người này còn đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Bà He Minghui cho biết: “Chúng tôi đã phải rất nỗ lực trong thời gian dài để tìm ra những dấu vết chắc chắn nhất trong vụ việc này”.

Tuy nhiên, mọi việc vẫn không hề dễ dàng hơn chút nào. Từ thông tin của nhóm bà He Minghui, ông Lim đã tiếp cận được 2 người này và được biết sức khỏe của cả 2 hiện đều tốt. Người phụ nữ không phải nhập viện vì SARS-CoV-2 trong khi người đàn ông mãi đến ngày 19/2 mới phải nhập viện và được xác định là Trường hợp số 83 nhưng ông cũng đã xuất viện.

Hai nhân viên của CID thu thập thông tin về SARS-CoV-2. Ảnh: Mediacorp

Dù vậy, ông Lim cho biết, linh tính lại mách bảo ông rằng, mọi chuyện chưa thể kết thúc ở đây: “Thông tin từ 2 người này là rất quan trọng và chắc chắn sẽ giúp chúng tôi lần ra thêm các đầu mối khác”. Quả đúng như vậy, trong hồ sơ Bệnh viện Đa khoa Sengkang ghi nhận người phụ nữ này “có những biểu hiện tương tự như đã lây nhiễm SARS-CoV-2”.

Ngay sau đó, Bộ Y tế Singapore yêu cầu cả hai người thực hiện lại một loạt các xét nghiệm. Kết quả cho thấy, người phụ nữ cũng đã nhiễm SARS-CoV-2 từ trước và người này được xác định là Trường hợp thứ 91 và cũng là “mảnh ghép còn sót lại” giúp CID lần ra manh mối những người khác từng tiếp xúc với họ và khoanh vùng được toàn bộ các đối tượng cần cách ly để phòng tránh dịch lây lan.

Nhớ lại những ngày đầy gian khổ trước đó, bà He Minghui chia sẻ: “SARS-CoV-2 như một tên tội phạm vô hình, chúng tôi không thể biết khi nào nó bùng phát và lây lan đến đâu. Nó hoàn toàn khác với những vụ án thông thường khác khi chúng tôi biết rõ kẻ thủ ác và nạn nhân là ai”./.