Sau 2 ngày xét xử, chiều 22/5, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Đào Hữu Tình (SN 1978, trú ở phố Nguyễn Văn Cừ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Với vai trò đồng phạm, Nguyễn Thị Thúy Hằng (SN 1977, trú ở số 36, đường Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng phải lĩnh 13 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chếm đoạt tài sản”.
sieu_lua_ng_cvnt.jpg
“Siêu lừa” Đào Hữu Tình (bên phải) cùng các bị cáo liên quan tại phiên tòa
Liên quan đến số tiền hàng chục tỷ đồng mà cặp đôi này chiếm đoạt, Lê Tuấn Phương (SN 1979), Trần Thị Thu Hằng (SN 1982), nhân viên Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank) lần lượt phải nhận 36 tháng tù và 30 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng được hưởng án treo, theo Điều 285-BLHS.
Ngoài ra cũng với tội danh trên, Nguyễn Văn Hợi (SN 1948) - nguyên Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT tỉnh Hà Nam cũng phải nhận 24 tháng tù nhưng được hưởng án treo.
Trước đó, hồi tháng 6/2012, Đào Hữu Tình cùng những bị cáo liên quan đã bị TAND TP Hà Nội kết tội về các tội danh nêu trên. Tuy nhiên, do bản án sơ thẩm này sau đó bị TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên hủy nên vụ án được đưa ra xét xử lại. 
Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cho thấy, Đào Hữu Tình vốn sở hữu 2 doanh nghiệp tư nhân và có quan hệ thân quen với ông Hà Văn Nga - Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty TNHH Viễn Đông (gọi tắt là Công ty Viễn Đông), trụ sở tại xã Hoằng Đông, Duy Tiên, Hà Nam.

Cuối năm 2006, biết ông Nga bệnh nặng và rao bán Công ty Viễn Đông, Tình ngỏ ý mua lại với giá 75 tỷ đồng dù trong tay không hề có đồng nào. Tình đề nghị ông Nga ký quyết định bổ nhiệm đối tượng làm tổng giám đốc doanh nghiệp, sau đó bàn với Nguyễn Thị Thúy Hằng làm thủ tục vay Seabank 100 tỷ đồng. 

Sau khi kiểm tra hồ sơ vay vốn, ngày 20/6/2007, Seabank quyết định cho Đào Hữu Tình vay số tiền nêu trên, trong thời hạn 72 tháng. Thực hiện mưu đồ lừa đảo ngân hàng, Tình tiếp tục đề nghị ông Nga bổ nhiệm em gái Hằng làm kế toán trưởng Công ty Viễn Đông. Ngoài ra để vay và được giải ngân, Tình còn bảo Chủ tịch HĐTV Công ty Viễn Đông ủy quyền cho giao dịch với ngân hàng.

Hoàn tất hồ sơ vay vốn, đối tượng chỉ đạo Hằng thu gom 92 hóa đơn GTGT khống của 8 công ty “ma” tại Hải Phòng và kèm theo đó là 13 bộ hợp đồng thể hiện việc Công ty Viễn Đông đang thi công, xây dựng hàng loạt hạng mục ở một số dự án trong hồ sơ vay vốn.

Và ngay sau khi cán bộ ngân hàng, trong đó có Lê Tuấn Phương và Trần Thị Thu Hằng thẩm định, Seabank đã nhanh chóng giải ngân cho Tình 38,5 tỷ đồng, thông qua 8 công ty “ma” do Hằng cung cấp. Chiếm đoạt được số tiền ấy, cặp đôi lừa đảo Tình - Hằng lập tức “biến” khỏi danh sách HĐTV của Công ty Viễn Đông. 

Quá trình xét xử, Đào Hữu Tình không thành khẩn nhận tội, trong khi các bị cáo liên quan cũng chỉ khai nhận có mức độ. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả điều tra cùng lời khai của các bên liên quan có trong hồ sơ vụ án, HĐXX sơ thẩm khẳng định có cơ sở để quy kết các bị cáo đã phạm vào các tội danh bị đưa ra xét xử. Từ đó, Tòa án Hà Nội đã lần lượt tuyên phạt Đào Hữu Tình cùng các bị cáo liên quan các mức án nêu trên./.