Trần Hải Sơn (53 tuổi, quê Hải Phòng) – nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines được Dương Chí Dũng tin tưởng giao cho trọng trách nhận số tiền tham ô này từ ông Goh Hoon Seow – Giám đốc Công ty AP – Singapore, đơn vị môi giới trong thương vụ mua ụ nổi 83M.
Để đưa được số tiền này về nước, Sơn phải nhờ đến tài khoản của Công ty Phú Hà do em gái mình là Trần Thị Hải Hà làm giám đốc.
Các bị cáo tại phiên tòa (Ảnh: TTXVN) |
Để hợp thức hóa số tiền nói trên, Sơn và ông Goh Hoon Seow thống nhất lập ra một hợp đồng liên doanh khống. Bằng thủ đoạn này, số tiền gần 1,67 triệu USD chui vào tài khoản của Công ty Phú Hà.
Trần Thị Hải Hà được Sơn yêu cầu rút tiền mặt và chuyển cho Sơn tổng số tiền gần 28,2 tỷ đồng. Cầm tiền trong tay, Sơn bắt đầu chia theo chỉ đạo của Dương Chí Dũng trước đó là: “Chia theo tỉ lệ 10 tỷ đồng cho anh, 10 tỷ đồng cho anh Phúc, còn lại cho em”.
Theo lời khai của Sơn, để chuyển số tiền 10 tỷ đồng vào két sắt của Dương Chí Dũng, Sơn chia làm 2 đợt. Lần đầu tiên là cuộc giao dịch tại Khách sạn Victory ở TP HCM vào tháng 7/2008. Biết ông Dũng vào công tác, Sơn đã gọi điện là thông báo: “Em gặp bác để chuyển ít quà”. Dũng đồng ý.
Sơn tự xếp 5 tỷ đồng vào một chiếc valy có bánh xe, tay kéo đón taxi đến cổng khách sạn. Bên trong căn phòng Vip sang trọng của khách sạn Victory, Sơn đưa valy tiền và nói: “Theo chỉ đạo của bác, hôm nay em chuyển cho bác trước 5 tỷ đồng từ ụ nổi 83M. Số tiền còn lại em chuyển bác sau”. Nhận valy tiền trên tay Sơn, Dũng nói: “Cảm ơn em”.
Khoảng 1 tháng sau, Trần Hải Sơn ra Hà Nội công tác. Trước khi đi, Sơn “a lô” cho em gái đang ở Hải Phòng chuẩn bị sẵn cho anh trai 5 tỷ đồng tiền mặt. Vài giờ bay, Sơn ra Hà Nội và đến thẳng phòng làm việc của Dương Chí Dũng. Gặp Dũng, Sơn nói: “Em gửi anh nốt số tiền còn lại, khi nào anh về Hải Phòng thì em đưa vì tiền em để ở Hải Phòng”.
Dũng nói: “Cuối tuần này, anh về Hải Phòng. Em mang đến nhà mẹ vợ anh ở đường Phạm Ngũ Lao cho anh”.
Vẫn như lần giao dịch trước, Sơn để số tiền 5 tỷ đồng vào trong chiếc valy đen rồi đưa đến nhà mẹ vợ của Dương Chí Dũng. Khi đến nơi, ông Dũng đã chờ sẵn. Đẩy chiếc valy vào phòng khách Sơn nói: “Em đưa nốt số tiền còn lại”. Nhận valy tiền từ tay Sơn, ông Dũng trả lời: “Cảm ơn em”. Sau 15 phút hàn huyên, Sơn chào “Chủ tịch” ra về.
Tương tự như những lần đưa tiền thương vụ ụ nổi 83M cho Dương Chí Dũng, Trần Hải Sơn lần lượt chia số tiền 10 tỷ đồng làm 3 đợt để giao cho Mai Văn Phúc - (56 tuổi, quê Hải Phòng) – nguyên Tổng Giám đốc Vinalines – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT).
Lần thứ nhất, vào khoảng tháng 8/2008, trong chuyến công tác Hà Nội, Sơn đi taxi với valy 2,5 tỷ đồng đến tận nhà ông Phúc ở Làng Quốc tế Thăng Long để bàn giao tiền. Khoảng 2-3 tuần sau, Sơn lại ra công tác ở Hà Nội. Lần này, Sơn giao cho ông Phúc valy tiền trị giá 5 tỷ đồng.
Lần thứ ba, cuộc giao dịch diễn ra ở Hải Phòng. Đấy là vào khoảng cuối năm, khi đó, ông Phúc đang cùng gia đình về quê. 2,5 tỷ đồng được Sơn cho vào chiếc cặp màu đen rồi nhờ người quen chở ô tô đến nhà ông Phúc. Trút số tiền 2,5 tỷ đồng vào két sắt, ông Phúc trả lại chiếc cặp cho Sơn và kèm theo đó là lời: “Cảm ơn em”.
Trong thương vụ gần 1,67 triệu USD này, Trần Hữu Chiều (51 tuổi, quê Hà Nam) – nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines cũng được Sơn “bồi dưỡng” số tiền 340 triệu đồng. Đấy là giá trị của việc Trần Hữu Chiều, đã ký văn bản của Ban quản lý dự án Nhà máy sửa chữa tàu thủy phía Nam trình ông Mai Văn Phúc đề nghị mua ụ nổi 83M. Đồng thời với tư cách là trưởng đoàn khảo sát ụ nổi, đã ký báo cáo kết quả khảo sát không đúng thực tế để hợp thức thủ tục mua ụ nổi…
Như vậy, số tiền gần 28,2 tỷ đồng, Sơn chia cho Dương Chí Dũng 10 tỷ đồng, Mai Văn Phúc 10 tỷ đồng; Trần Hữu Chiều 340 triệu; Sơn cho Trần Thị Hải Hà 2 tỷ đồng (Vì nhờ công ty em gái, số tiền này mới về được Việt Nam). Số tiền còn lại hơn 5,9 tỷ đồng, Sơn dành riêng cho mình./.