Sáng 12/12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tham nhũng tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Theo trình tự, phiên tòa bắt đầu với phần kiểm tra căn cước của các bị cáo và những người có nghĩa vụ liên quan.

Đại diện nguyên đơn dân sự - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam ông Lê Trương Thanh – Phó Tổng giám đốc, người được ủy quyền tham gia tố tụng tại phiên tòa có mặt tại phiên tòa.

Trong những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến phiên tòa còn có đại diện của Bộ Tài Chính, Cục Đăng Kiểm, đại diện Ngân hàng Citibank chi nhánh Hà Nội….

img_6470.jpg
TAND TP Hà Nội nơi đang xét xử vụ án tham nhũng tại Vinalines

Bà Trần Thị Hải Hà – Giám đốc Công ty Phú Hà – em gái bị cáo Trần Hải Sơn (53 tuổi, quê Hải Phòng) – Nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines cũng có mặt tại phiên tòa. Bà Hà là người nhận được 2 tỷ đồng trong tổng số gần 1,67 triệu USD trong thương vụ ụ nổi 83M. Đây là số tiền mà bị cáo Sơn trả công cho bà Hà khi đứng ra làm trung gian trong việc vận chuyển số tiền 1,67 triệu USD từ Công ty AP về Việt Nam. Bà Hà không biết số tiền này của Vinalines. Số tiền này đã được bà Hà bàn giao cho cơ quan điều tra.

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị hại tại phiên tòa có 14 luật sư, tuy nhiên trong phiên tòa sáng nay vắng mặt 2 luật sư.

Bị cáo Dương Chí Dũng (56 tuổi, quê Hải Dương) – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines – nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) có 3 luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại phiên tòa. Bị cáo Mai Văn Phúc (56 tuổi, quê Hải Phòng) – Nguyên Tổng Giám đốc Vinalines – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) có 2 luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Bị cáo Trần Hải Sơn (53 tuổi, quê Hải Phòng) – Nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines có 2 luật sư.

Riêng Trần Hữu Chiều (51 tuổi, quê Hà Nam) – nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines, gia đình không thuê luật sư bảo vệ quyền lợi tại phiên tòa. Tuy nhiên, do bị cáo bị truy tố vào khung hình phạt cao nhất ở tội Tham ô tài sản với mức hình phạt từ 20 năm đến tử hình, nên tòa đã chỉ định luật sư bào chữa cho bị cáo.

Tại phiên tòa, Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Lê Ngọc Triện (49 tuổi, quê Phú Yên) – Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan, tỉnh Khánh Hòa đề nghị tòa xem xét cho bị cáo vì ở thời điểm này sức khỏe của bị cáo yếu. Chủ tòa phiên tòa bà Ngô Thị Ánh đồng ý cho bị cáo được ngồi trả lời trong các phần tranh tụng tại tòa.

Kết thúc phần kiểm tra căn cước, trả lời các yêu cầu của luật sư tham gia tranh tụng tại phiên tòa về việc triệu tập giám định viên, bà Ngô Thị Ánh cho rằng, việc giám định rõ ràng trong hồ sơ điều tra, tuy nhiên trong quá trình xét xử, tòa sẽ xem xét triệu tập nếu thấy cần thiết.

Sau phần kiểm tra căn cước, phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại Vinalines bắt đầu phần xét hỏi với phần tuyên bố cáo trạng của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Theo cáo trạng, trong thời gian Vinalines triển khai Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, từ đầu năm 2007, Vinalines đã tổ chức khảo sát, thương thảo và quyết định phương án mua, ký hợp đồng thanh toán tiền nhập khẩu ụ nổi 83M - một hạng mục của dự án nhà máy sửa chữa tàu thủy phía Nam - với Công ty AP (Singapore).

Tuy nhiên, cơ quan tố tụng xác định các việc làm trên là trái nguyên tắc, quy định của nhà nước, gây thiệt hại hơn 367 tỉ đồng, các bị can đã tham ô 1,67 triệu USD./.