Ngày 12/10 vừa qua, một cháu bé 5 tuổi đã tự treo cổ mình dẫn đến bất tỉnh. Dù được người nhà phát hiện và đưa đi cấp cứu nhưng tất cả đã quá muộn, cô bé tử vong. Đáng chú ý, theo chia sẻ của người thân trong gia đình, cô bé đã học theo trò treo cổ trong video trên Youtube và đã từng có một lần treo cổ hụt.

Đây không phải là trường hợp duy nhất trẻ em gặp nguy hiểm vì học theo Youtube. Tháng 11 năm ngoái, một cháu bé 7 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh học theo trò thắt cổ đã nguy kịch. May được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Hay một trường hợp khác đứt mạch máu vì dùng tay đập vỡ cửa kính giống các clip trên mạng.

Những nội dung bẩn, độc hại không còn xa lạ trên Youtube. Thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều, khiến không ít phụ huynh lo lắng.

Vậy những đối tượng đưa nội dung độc hại lên mạng sẽ bị xử lý như thế nào? Liên quan đến vấn đề này, PV VOV trao đổi với luật sư Nguyễn Hữu Toại, công ty luật TNHH Hừng Đông.

PV: Thưa luật sư, hành động quay và đăng tải những hình ảnh hoặc video với nội dung không lành mạnh và kiếm tiền từ đó thì có được xem là hành vi vi phạm pháp luật hay không?

Luật sư Nguyễn Hữu Toại: Thời gian qua, chúng ta chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các trang truyền thông cá nhân với các kênh Youtube. Việc phát triển này phù hợp với xu thế chung của cả thế giới. Tuy nhiên, rất nhiều trang cá nhân có hành vi câu khách, lạm dụng truyền thông cá nhân để thực hiện các hành vi có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục, đưa ra các nội dung không lành mạnh, câu like, câu view, lôi kéo trẻ em cũng như người ít tiếp xúc với mạng internet không sàng lọc được thông tin nhằm mục đích kiếm tiền.

Tôi cho rằng, hành vi này có dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng và Nghị định số 15 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

PV: Pháp luật có quy định như thế nào đối với những nội dung không lành mạnh, những nội dung bẩn và có quy định gì về việc xử lý hình sự trong trường hợp có những nội dung bẩn đăng tải trên Youtube hay không thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Hữu Toại: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm pháp luật có các chế tài xử lý khác nhau.

Cụ thể, từ ngày 15/4/2020 các hành vi làm phát tán, chia sẻ nội dung không lành mạnh, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 của Điều 101 Nghị định số 15 năm 2020.

Cụ thể, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau đây:

Thứ nhất, cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức danh dự, nhân phẩm của cá nhân hiện hành vi.

Thứ hai, hành vi cung cấp chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô đồi trụy.

Thứ ba, cung cấp và chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn kinh dị, rùng rợn.

Thứ tư, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực. Ngoài quy định về xử phạt hành chính, Bộ Luật hình sự năm 2015 và sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng có quy định về các tội phạm  trên không gian mạng. Cụ thể, Điều 288 Bộ Luật hình sự quy định về tội đưa, hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Cụ thể, người nào có hành vi đưa lên mạng xã hội để thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc là gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000 triệu đồng, hoặc gây luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm

Thứ hai, phạm tội trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 2 đến 7 năm và có thể phạt tiền từ 200.000.000 đến 1 tỷ đồng. Đó là có tổ chức; lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; thu lợi bất chính 25.000.000 đồng trở lên. Cùng với đó, việc gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên hoặc là xâm hại bí mật của cơ quan, tổ chức và làm cho người bị xâm hại để người ta tự sát, hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.

Như vậy, hành lang pháp lý của chúng ta quy định về vấn đề đưa các thông tin lên mạng xã hội là đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc rất quyết liệt của các cơ quan chức năng cũng như sự am hiểu pháp luật của người dân.

PV: Trở lại với vụ việc mà cô bé 5 tuổi tự tử chết, nghi do xem Youtube với nội dung bẩn, nội dung không lành mạnh, theo luật sư thì ai sẽ chịu trách nhiệm trong vụ việc này?

Luật sư Nguyễn Hữu Toại: Trước hết, đó là chủ của video đấy, họ đã đăng tải những nội dung không lành mạnh làm cho các cháu chưa đủ nhận thức, các cháu làm theo rất nguy hiểm.

Việc này cơ quan chức năng cần truy ra chủ sở hữu của kênh truyền thông, cá nhân này. Qua đó, yêu cầu các nhà mạng phải gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật. Cùng với đó, xử lý đối tượng này theo quy định. Có thể xử phạt hành chính, hoặc nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

PV: Thưa luật sư, đối với những trang Youtube có nội dung không lành mạnh bạo lực, ngoài việc xử lý những đối tượng đăng tải như luật sư đã thông tin, những người chia sẻ bình luận về những nội dung đó trên mạng thì có bị xử lý hay không?

Luật sư Nguyễn Hữu Toại: Theo Quy định của Nghị định 15 năm 2020, những người này cũng bị xử phạt như người đã tạo ra video đó. Theo đó, khi chia sẻ các thông tin trên trang cá nhân của mình thì mình phải chịu trách nhiệm về các hành vi của đó.

Người ta phải nhận thức được rằng, việc chia sẻ này có ảnh hưởng đến người khác hay không?, trái quy định pháp luật hay không?, không thể là bất cứ cái gì cũng chia sẻ được mà chúng ta cần chia sẻ có chọn lọc.

PV: Luật sư cũng đã biết, vừa qua một kênh Youtube đã bị xử phạt vi phạm hành chính về nội dung không lành mạnh. Sau đó, chính kênh này lại tiếp tục có thêm một video nữa, có nội dung nhảm nhí lại bị phạt. Một số người băn khoăn, vì sao không có biện pháp mạnh hơn để xử lý đối tượng đăng tải mà chỉ phạt vi phạm hành chính như vậy. Luật sư có thể lý giải rõ hơn vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Hữu Toại: Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định, một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Người này có hai hành vi vi phạm thì sẽ bị xử lý 2 lần và mức độ vi phạm của người ta là chưa đến mức có thể xử lý hình sự thì không xử lý hình sự được. Do đó, các cơ quan chức năng cũng không thể xử lý hình sự đối với đối tượng này được.

Chúng ta dù bức xúc và mong muốn xử lý mạnh tay hơn, nhưng quy định của pháp luật là như vậy, buộc các cơ quan chức năng phải thực thi theo. Nguyên tắc là các cơ quan nhà nước chỉ làm những gì pháp luật cho phép mà không được lạm quyền, vượt quyền vi phạm pháp luật cho phép.

PV: Để hạn chế những đau thương, không đáng có khi trẻ em xem những video nhảm nhí, độc hại thì luật sư có đưa ra những lời khuyên nào?

Luật sư Nguyễn Hữu Toại: Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn con em mình xem các nội dung gì. Đồng thời, có biện pháp giám sát, kiểm tra việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính của các con để biết các con mình xem nội dung gì? Có lợi cho sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ hay không. Nếu phát hiện trẻ xem các nội dung độc, nội dung không lành mạnh, cần phải giải thích, giáo dục cho các cháu hiểu rằng các nội dung này sẽ không tốt nó sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển, hình thành nhân cách của trẻ.

Như vậy, chúng ta sẽ loại trừ được các rủi ro, loại trừ được cái việc là con cháu mình thêm các nội dung không lành mạnh.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần phải tăng cường công tác quản lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường phổ biến pháp luật, đồng thời hoạch định các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm chủ động kịp thời hiệu quả trong quản lý truyền thông mạng xã hội.

Giải pháp về công nghệ đưa tới các biện pháp kỹ thuật theo kịp sự phát triển của Internet. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần làm việc với các nhà mạng lớn để yêu cầu gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng để từng bước loại bỏ các thông tin độc hại này.

PV: Xin cảm ơn luật sư!./.