Chiều 10/3, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức cuộc họp báo với các ngành chức năng và chính quyền địa phương về thông tin báo chí phản ánh tình trạng "tín dụng đen" làm cho hàng trăm hộ dân mất nhà, mất đất xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Theo Công an tỉnh Cà Mau, vào giữa năm 2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh có nhận được đơn tố cáo việc vay tiền thông qua hợp đồng chuyển nhượng liên qua đến bà Nguyễn Thị Bé Tám, ở xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước và ông Châu Hoàng Dũng ở phường 5, thành phố Cà Mau cho vay hơn 40 hộ dân ở các huyện: Cái Nước, Phú Tân, Đầm Dơi, Thới Bình và thành phố Cà Mau.
Qua xác minh, điều tra những vụ việc trên chưa có dấu hiệu cho vay nặng lãi như một số cơ quan báo chí đã phản ánh. Bởi lẽ, Tội cho vay nặng lãi theo Điều 163 Bộ Luật hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định, từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột”. Và điều 476 Bộ Luật Dân sự năm 2005 cũng quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản, do Ngân hàng Nhà nước công bố loại vay tương ứng”.
Chính vì vậy, tại cuộc họp, các ngành chức năng tỉnh, chính quyền các địa phương báo cáo là chưa nhận được đơn hoặc tố cáo cho vay nặng lãi mà là tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản nhà, đất. Người vay thường nói bị lừa nhưng không chứng minh được bởi lẽ hồ sơ vụ án là hợp đồng chuyển nhượng tài sản, có công chứng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm về tội cho vay nặng lãi, đề nghị khởi tố ngay. Đồng thời, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và chính quyền các địa phương nắm lại gia đình chính sách, hộ nghèo có nhu cầu vay vốn sản xuất, học tập,… để hỗ trợ kịp thời cho bà con. Sở Tư pháp phối hợp ngay các cơ quan tổ chức tuyên truyền pháp luật về tín dụng, để bà con hiểu khi vay ngoài hệ thống ngân hàng./.