Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của PV về kết quả điều tra dấu hiệu thông đồng nâng giá kit xét nghiệm của Việt Á với các địa phương khác ngoài Hải Dương. Kết quả xác minh lời khai của các bị can về việc chi "hoa hồng" cho CDC Nghệ An đến đâu?
Ngoài ra, đề tài nghiên cứu kit test được đầu tư bằng tiền ngân sách gần 19 tỉ đồng, trong đó có sự chủ trì của Học viện Quân y, nhưng sau đó lại được chuyển giao cho Công ty Việt Á, qua đó công ty thu lời bất chính hàng ngàn tỉ đồng. Trách nhiệm của Bộ KH&CN trong vấn đề này ra sao?
Trả lời câu hỏi của PV, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, cục phó C03 cho biết hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Sau khi khởi tố, cơ quan điều tra đã công bố những thông tin ban đầu, cơ bản về vụ án trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để báo chí và dư luận có thể biết và nắm bắt.
“Nhiệm vụ của cơ quan điều tra là phải điều tra triệt để mọi góc cạnh liên quan đến vụ án, làm rõ đến đâu thông tin đến đó” – Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành nói.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho rằng căn cứ tài liệu điều tra ban đầu, lời khai của các bị can cho thấy kit xét nghiệm của Việt Á được công ty này trực tiếp và gián tiếp bán tại 62 địa phương. Có thể một số địa phương tự mua, cũng có thể do các đơn vị mua tài trợ cho địa phương.
Trước đó, tối 18/12 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức đấu tranh chuyên án với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là Kit xét nghiệm COVID-19) xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương có liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Thừa Thiên – Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập ghi lời khai trên 30 đối tượng có liên quan. Kết quả điều tra và đấu tranh với các đối tượng xác định:
Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm Kit xét nghiệm Covid. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng Kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Kết quả điều tra bước đầu, Phan Quốc Việt và các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á khai nhận: Quá trình kinh doanh và tiêu thụ Kit xét nghiệm Covid do Công ty Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid của các địa phương trên cả nước, sản phẩm Kit test Covid thuộc danh mục được áp dụng hình thức Chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kít; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm Covid cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng; Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.
Hành vi của Phạm Duy Tuyến, Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan tại CDC Hải Dương, Công ty Việt Á là vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, vi phạm các điều cấm quy định tại Luật Đấu thầu, có dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Ngày 17/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can đối với 07 đối tượng.
7 đối tượng gồm Phan Quốc Việt (SN 1980, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á); Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á); Hồ Thị Thanh Thảo (Thủ quỹ Công ty Việt Á); Phan Tôn Noel Thảo (Trợ lý Tài chính Công ty Việt Á); Trần Thị Hồng (Nhân viên Kinh doanh Công ty Việt Á); Phạm Duy Tuyến (SN 1965, Giám đốc CDC Hải Dương); Nguyễn Mạnh Cường (nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương).
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định, Lệnh nêu trên. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác; 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến...