Sáng nay (7/5), tại Đà Nẵng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể, thẩm tra dự án Bộ luật dân sự sửa đổi và thẩm tra các dự án của chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính đối với 6 đơn vị hành chính cấp huyện. 

Ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, trình bày  báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), trong đó chủ yếu là 10 vấn đề được Chính phủ xác định là trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến nhân dân. Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay, đã có 96 báo cáo tổng hợp của các bộ ngành, địa phương gửi về ban soạn thảo, khoảng 7,5 triệu người đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật dân sự. Đối tượng được lấy ý kiến được mở rộng từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia. Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi được đánh giá cao về tính dự báo, tính ổn định lâu dài và tính khả thi. 

 

ly_atsm.jpgÔng Phan Trung Lý (giữa) chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chủ trì phiên họp
"Các ý kiến đánh giá: dự thảo Bộ luật được xây dựng công phu, thể chế hóa được đầy đủ toàn diện các quan điểm chủ trương của Đảng, đã được xác định tại chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Cụ thể hóa hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có kế thừa và phát triển các quy định pháp luật hiện hành"- Ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là bộ luật đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến các mặt đời sống xã hội, được lấy ý kiến rộng rãi trong toàn dân, sẽ được chỉnh sửa và trình tại 3 kỳ họp Quốc hội. /.