Đoàn đại biểu Ủy ban Pháp luật Quốc hội do ông Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn vừa có chuyến công tác tại Pháp (từ 19-22/4) nhằm tìm hiểu các kinh nghiệm hoạt động của một số cơ quan cấp cao thuộc hệ thống lập pháp của Pháp.

phap_luat_5_ygwe.jpg
Buổi làm việc của Đoàn Ủy ban Pháp luật tại Tham Chính viện Pháp
Trong chuyến công tác, đoàn đại biểu Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã có các cuộc làm việc tại Quốc hội, Tham Chính viện, Bộ Tư pháp và Thượng viện Pháp.

Mục đích chuyến công tác là nhằm tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của các cơ quan này đồng thời trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp của Quốc hội Việt Nam cũng như các hoạt động khác liên quan đến việc triển khai thi hành Hiến pháp và hoàn thiện bộ máy Nhà nước.

Đoàn đã cuộc gặp với ông Pascal Deguilhem, Nghị sỹ, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Pháp-Việt tại Quốc hội. Ông Pascal Deguilhem khẳng định Quốc hội Pháp coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam và mong muốn triển khai cơ chế trao đổi thường xuyên đoàn các cấp, đa dạng hóa kênh hợp tác Quốc hội và các Ủy ban chuyên môn với nội dụng phong phú, đa dạng. 

Đoàn đã có các buổi làm việc chuyên sâu với Tham Chính viện của Pháp do ông Bernard Pecheur, Chủ tịch Bộ phận quản lý Tham chính viện chủ trì, với nguyên Chủ tịch Ủy ban Pháp luật của Thượng viện Pháp Jean-Jacques Hyest; với Phòng luật hiến pháp và Phòng pháp luật công của Bộ Tư pháp Pháp.

Đoàn Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc tại Thượng viện Pháp
Các cuộc làm việc chuyên sâu đi vào tìm hiểu cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thuộc hệ thống lập pháp của Pháp; cũng như đi vào phân tích, tìm hiểu quy trình của các cơ quan này trong việc xây dựng các dự luật quan trọng liên quan đến luật hiến pháp, vấn đề trưng cầu ý dân, luật biểu tình…

Chia sẻ kinh nghiệm của Pháp và trả lời các câu hỏi chi tiết của đoàn, ông Bernard Pecheur, Chủ tịch Bộ phận quản lý Tham Chính viện cho biết trong quá trình tham vấn về xây dựng luật, Tham Chính viện phải đảm bảo tính phù hợp và hài hòa giữa những văn bản pháp luật của Pháp với các văn bản pháp luật và các hiệp ước của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tránh sự chồng chéo và xung đột.

Liên quan đến luật trưng cầu ý dân tại Pháp, ông Jean-Jacques Hyest, thành viên Ủy ban Pháp luật, nguyên Chủ tịch Ủy ban Pháp luật Thượng viện Pháp nhấn mạnh chỉ có 4 chủ đề được quy định đưa ra trưng cầu ý dân tại Pháp gồm có các vấn đề về tổ chức quyền lực của nhà nước; kinh tế- xã hội và môi trường; việc cải cách các dịch vụ công và phê chuẩn các điều ước quốc tế của Pháp. Tại Pháp, Tổng thống là người quyết định có đưa một vấn đề ra trưng cầu ý dân hay không.

Về luật biểu tình, ông Hyest cho biết, mặc dù Pháp cho phép tự do ngôn luận và biểu đạt, song cũng phải đảm bảo các cuộc biểu tình không gây mất trật tự xã hội và an ninh. Thẩm phán hành chính là người quyết định cho phép hay không đối với các cuộc biểu tình, và sẽ cấm khi việc thực quyền tự do cá nhân đe dọa đến quyền lợi chung, đến trật tự an ninh xã hội.

Tại các cuộc làm việc, ông Phan Trung Lý cảm ơn các đại biểu của Pháp đã cung cấp cho đoàn nhiều thông tin bổ ích trong các vấn đề mà Việt Nam quan tâm và muốn tìm hiểu nhằm chuẩn bị xây dựng và cải cách các luật liên quan. Đoàn Ủy ban pháp luật Quốc hội Việt Nam cũng nhắc lại sự hợp tác sâu sắc giữa Quốc hội Việt Nam với các cơ quan của Pháp, cũng như sự hỗ trợ hiệu quả của Pháp đối với việc xây dựng các luật quan trọng của Việt Nam./.