Chiều 11/9, hàng trăm người Việt Nam tại thủ đô Praha, CH Séc và các vùng phụ cận đã đưa con em mình tới Trung tâm thương mại Sa Pa để tham dự phá cỗ Tết Trung thu. Đây là dịp để trẻ em người Việt sinh ra và lớn lên tại Séc được hòa mình vào không khí của ngày lễ hội dành cho tuổi thơ, đồng thời tìm hiểu về cội nguồn văn hóa dân tộc.

sec1_vov_qnnu.jpg
Các cháu thiếu nhi xúng xính trong tà áo dài, tay cầm đèn ông sao biểu diễn các bài hát về Rằm Trung thu.

Đã thành thông lệ cứ đến dịp rằm tháng Tám hàng năm, chi hội người Việt Nam tại Trung tâm thương mại Sa Pa – Trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt tại Cộng hòa Séc – phối hợp với các đoàn thể người Việt lại tổ chức lễ hội vui đón rằm Trung thu cho các cháu thanh thiếu niên nhi đồng tại thủ đô Praha và các khu vực phụ cận.

Ban tổ chức đã bố trí dàn dựng một sân khấu lớn tái hiện hình ảnh chị Hằng Nga, chú Cuội, những chiếc đèn ông sao và các trò chơi dân gian gắn liền với tuổi thơ. Một mâm ngũ quả và bánh kẹo lớn được đặt ngay trước sân khấu dành cho các bạn thanh thiếu niên nhi đồng để phá cỗ, trông trăng. Đặc biệt, Ban tổ chức đã bố trí một màn biểu diễn múa lân truyền thống cùng nhiều bài hát về Trung thu, giúp khuấy động không khí của lễ hội trăng rằm.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch chi hội người Việt Nam tại Trung tâm thương mại Sa Pa, thành viên Ban tổ chức, việc tổ chức Lễ đón Tết Trung thu nhằm giúp cho các cháu sinh ra và lớn lên tại Cộng hòa Séc được sống trong không khí vui nhộn của một lễ hội tuổi thơ, bù đắp phần nào những thiếu thốn về đời sống tinh thần so với các bạn cùng trang lứa ở trong nước.

Ban tổ chức cũng chu đáo chuẩn bị nhiều món quà cho các cháu và bằng khen trao tặng học sinh giỏi tại các trường của Séc năm học vừa qua, động viên các cháu học giỏi, chăm ngoan khi bước vào năm học mới.

Ông Sơn cho biết: “Chương trình Trung thu của chúng tôi đã được chuẩn bị một tháng nay trên tinh thần đảm bảo vui nhất, hiệu quả nhất. Năm nay chúng tôi đã chuẩn bị 600 suất quà và 100 phần thưởng để trao cho các cháu học sinh giỏi trong năm học vừa qua. Cũng như hằng năm, mỗi năm số lượng các cháu tham dự đều tăng lên. Đây là niềm động viên đối với các  cơ quan và chi hội của chúng tôi, và cũng là để giúp cho các cháu hiểu thêm về cội nguồn, quê hương đất nước”.

Một ông bố người Séc đưa con tới tham dự lễ hội trông trăng phá cỗ của người Việt. 

Trong bối cảnh sống xa quê, đời sống kinh tế ngày một khó khăn, nhưng hầu hết các bậc cha mẹ đều cố gắng thu xếp công việc cho con tham dự Tết Trung thu của cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Dung ở Praha cho biết, ở Séc, ngoài việc học tập ở trường, trẻ em rất ít có thời gian để tham gia vào các lễ hội hay trò chơi thuần Việt. Việc tổ chức những ngày lễ Tết hiếm hoi trong năm như Tết nguyên đán, Tết thiếu nhi 1/6 hay Tết Trung thu chính là dịp để trẻ em được gặp gỡ, chia sẻ, chơi những trò chơi truyền thống và để tìm về với cội nguồn dân tộc.

Chị Dung chia sẻ: “Thực ra đối với những người ở hải ngoại hay ở Trung tâm thương mại Sa Pa này thì đều làm việc không có ngày nghỉ. Nhưng ngày Trung thu như thế này thì họ đều quan tâm đến con, cho các con tham dự để cho các con hòa nhập, tiếp xúc với nhau. Ở đây ngoài trò chơi của Séc thì còn có nhiều trò chơi dân gian như kéo co, ô ăn quan, hay nhảy sạp. Đây là những trò chơi dân gian các cháu chưa được biết đến, và đến bây giờ các cháu đến để nhìn, có thể ngập ngừng, nhưng sau sẽ quen chơi”.

Cùng chung ý nghĩ với chị Dung, chị Nguyễn Thị Ngọc Hà sang định cư tại Cộng hòa Séc được hơn 10 năm nay cho biết chị muốn nuôi dưỡng và nhân lên các giá trị văn hóa Việt trong tâm hồn các con chị ngay từ hồi còn bé để khi trưởng thành các cháu vẫn còn nhớ tới quê hương, truyền thống dân tộc.

Chị tâm sự: “Vì các con tôi sinh ra và lớn lên bên này nên vào ngày này tôi thường dắt con ra Sa Pa để các con tận hưởng không khí Trung thu như ngày xưa chúng tôi đã được tận hưởng từ bé. Ở nhà chúng tôi thường kể cho các cháu nghe các câu chuyện về ngày Tết Trung thu – Tết trông trăng, Tết chị Hằng, các hoạt động như làm bánh dẻo, bánh nướng tại nhà, các con tôi đều rất là thích.

Tết Trung thu chính là dịp để trẻ em xa quê hương được gặp gỡ, chia sẻ, chơi những trò chơi truyền thống, tìm về cội nguồn dân tộc.

Ngoài ra các con tôi có thể hát được rất nhiều bài hát về Tết Trung thu cũng như những bài hát Tiếng Việt. Tôi muốn các con mình giữ gìn truyền thống, cội nguồn dân tộc, giữ gìn tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”.

Tâm sự của các chị cũng là tâm sự của rất nhiều bậc phụ huynh học sinh có mặt tại lễ phá cỗ trông trăng. Họ cho biết họ sẵn sàng đóng cửa hàng cho dù hôm nay là ngày Chủ Nhật đông khách để đưa con em mình tới vui chơi trong một lễ hội thuần Việt dành cho trẻ thơ. Họ hiểu rằng chỉ có bằng cách như vậy, con cháu họ và các thế hệ tương lai mới có dịp biết và giúp bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc nơi đất khách quê người.

Trong tiếng nhạc mừng Tết Trung thu rộn ràng, các cháu thiếu nhi tham dự đều được Ban tổ chức phát quà, rước đèn ông sao và tham gia nhiều trò chơi thú vị. Các em đã thực sự có một ngày sống trong không khí lễ hội của tuổi thơ để rồi ngày mai các em lại bắt tay vào một năm học mới với nhiều ước vọng mới./.