Đây là lần đầu tiên Việt Nam được tôn vinh tại giải thưởng lớn của UNESCO về xóa mù chữ. Chủ tịch Ban Giám khảo đánh giá nhờ có những sáng kiến thế này mà Việt Nam đạt được tỷ lệ cao về xóa mù chữ.

Mù chữ không phải là không thể tránh khỏi

Phát biểu tại buổi trao giải, diễn ra đúng vào kỷ niệm 50 năm Ngày thế giới xóa mù chữ, Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova nhấn mạnh: “Ngày thế giới xóa mù chữ là dịp đặc biệt để tôn vinh một trong những thành tựu quan trọng nhất của UNESCO.

tong_giam_doc_unesco_phat_bieu_02_zhxp.jpg
Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova phát biểu tại lễ trao giải.

Mỗi người được nhận giải thưởng ngày hôm nay đều mang trong mình một câu chuyện về tình người đã giúp đỡ cộng đồng mình khám phá chính những giá trị cao quý của bản thân”.

Cũng theo Tổng giám đốc UNESCO, bài học lớn nhất rút ra được từ hành trình dài và khó khăn trên toàn thế giới rằng mù chữ không phải là không thể tránh khỏi và có thể tạo ra những đổi thay thông qua phối hợp các nỗ lực chung, ý chí chính trị, sáng tạo và chia sẻ những cách làm hay.

Giải thưởng về xóa mù chữ mang tên Vua Sejong của Hàn Quốc năm nay trao cho hai chương trình, gồm Chương trình “Sách hóa nông thôn” của Việt Nam và Dự án song và đa ngôn ngữ Pattani Malay-Thái của Thái Lan. Mỗi Giải thưởng bao gồm Giấy chứng nhận và khoản tiền thưởng 20.000 USD.

Minh chứng vì sao Việt Nam thành công

Tại buổi trao giải, Chủ tịch Ban Giám khảo Giải thưởng Vua Sejong Helen Adadzi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án, các sáng kiến mang tính sáng tạo trong công cuộc xóa mù chữ.

Đánh giá về chương trình “Sách hóa nông thôn”, bà Helen Adadzi nói: “Chúng tôi rất vui khi thấy sáng kiến rất hay này cho phép lập ra hàng nghìn tủ sách trên khắp các vùng nông thôn. Và đó là một minh chứng cho thấy vì sao Việt Nam đạt tỷ lệ cao về xóa mù chữ và đạt nhiều thành tựu trong phát triển. Chúng tôi đánh giá cao và rất vui mừng trước những bước tiến của Việt Nam và chúc các bạn tiếp tục đạt được những thành tích cao hơn”.

Chủ tịch Ban Giám khảo Giải thưởng Vua Sejong Helen Adadzi trả lời phỏng vấn VOV.

Phát biểu khi vinh dự nhận giải thưởng, anh Nguyễn Quang Thạch nhắc đến thực tế trẻ em ở những vùng nông thôn ở Việt Nam còn thiếu sách nghiêm trọng và nhấn mạnh chính niềm khao khát được đọc sách của những trẻ em nghèo là động lực của anh và chương trình “Sách hóa nông thôn”.

Ý tưởng của anh về Tủ sách trong các lớp học do các bậc phụ huynh đóng góp đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ. Trong 9 năm qua, hơn 100.000 thành viên trong xã hội đã chung tay xây dựng 10.000 tủ sách.

Anh Nguyễn Quang Thạch cũng nhân dịp này, bày tỏ kế hoạch và mong muốn của anh đưa chương trình và ý tưởng “Sách hóa nông thôn” đến với các quốc gia đang phát triển khác, như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia hay một số quốc gia châu Phi.

Thay đổi nhận thức về Văn hóa đọc

Vui mừng khi được nhận giải thưởng, điều đầu tiên anh Nguyễn Quang Thạch nghĩ đến là vui vì nhận thức của chính những người nông dân về văn hóa đọc đã thay đổi, khi họ chung tay tạo ra hệ thống thư viện.

“Tôi rất vui vì nhận thức của những người nông dân của Việt Nam đã thay đổi khi họ đã chung tay tạo ra hệ thống thư viện. Đó là một trong những sự dịch chuyển lớn trong xã hội Việt Nam, nông dân rồi công chức, những người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đã góp sức vào chương trình Sách hóa nông thôn.

Đó là niềm vui của tôi cũng như niềm vui chung của tất cả mọi người. Tôi nghĩ đây là một sản phẩm rất tuyệt vời giữa hai khu vực Nhà nước và dân sự, cùng tạo nên giá trị chung vì mục tiêu phát triển chung của đất nước”, anh Nguyễn Quang Thạch nói.

Anh Nguyễn Quang Thạch phát biểu tại lễ trao giải.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Hồng Phấn đánh giá Giải thưởng là sự ghi nhận quan trọng của UNESCO, là sự khuyến khích cho các ý tưởng về xóa mù chữ.

Đại sứ Lê Hồng Phấn nói: “Đây là sự ghi nhận của UNESCO đối với những đóng góp của dự án này phát triển giáo dục cũng như xóa nạn mù chữ. Giải thưởng này sẽ đóng góp vào kinh nghiệm chung của các nước trên thế giới trong việc xóa nạn mù chữ.

Hy vọng rằng giải thưởng này sẽ là sự khuyến khích, động viên cho các cá nhân, các tổ chức ở Việt Nam trong việc xóa nạn mù chữ ở Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm với các nước”.

Lặn lội từ Balan sang tham dự buổi lễ, chị Huệ Chi–Việt kiều tại Ba Lan đã ủng hộ chương trình “Sách hóa nông thôn” từ lâu năm, cho biết chị vô tình biết đến chương trình qua mạng xã hội facebook nhưng ngay lập tức đã có sự ủng hộ và đặt niềm tin vào chương trình của anh Nguyễn Quang Thạch.

Chị Huệ Chi nói: “Chuyện đọc sách là rất quan trọng với mọi người, không chỉ với trẻ con, mà cả với người lớn, tất cả mọi người. Vì thế tôi ủng hộ chương trình của anh Thạch. Sách nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng đạo đức, nâng cao nhận thức. Đơn giản chỉ có vậy thôi”.

Đại sứ Lê Hồng Phấn cùng phái đoàn ngoại giao Việt Nam bên cạnh UNESCO chúc mừng anh Nguyễn Quang Thạch.

Buổi lễ diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm 50 Năm Ngày Thế giới xóa mù chữ, là dịp để nhìn lại nỗ lực của toàn thế giới trong lĩnh vực này. Từ năm 1967, UNESCO đã có nhiều giải thưởng lớn về xóa mù chữ để khuyến khích các nỗ lực trên thế giới giúp phổ cập giáo dục. Từ đó đến nay, hơn 475 dự án và chương trình của các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân trên toàn thế giới đã được tôn vinh.

Việt Nam được biết đến từ lâu với những nỗ lực trong công cuộc xóa mù chữ và gây tiếng vang toàn cầu với tỷ lệ người biết chữ cao. Tuy nhiên, trong bài viết về dự án “Sách hóa nông thôn”, trang mạng của UNESCO nêu rõ: “Trong 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong giáo dục nhưng khu vực nông thôn và vùng núi tại quốc gia này vẫn trong tình trạng thiếu sách nặng nề và không có một hệ thống thư viện phát triển”.

Giải thưởng lần này của UNESCO vì thế không chỉ là sự động viên đối với cá nhân “Kẻ ăn mày sách” Nguyễn Quang Thạch, mà là động lực lớn cho các nỗ lực và sáng kiến chung trong cộng đồng để nâng cao văn hóa đọc./.