Thành danh khá sớm trên đất Mỹ nhưng chàng trai trẻ Vũ Thành Long (quê ở Nam Sách, Hải Dương) rất khiêm tốn khi nói về những thành tích và quá trình học tập của bản thân. Đó là một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ và luôn đặt ra cho mình những mục tiêu ngày càng cao để chinh phục.
TS Vũ Thành Long. |
Anh Long luôn liên tục đặt ra các mục tiêu ngày càng lớn tìm cách khắc phục những hạn chế của bản thân để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Sau khi học xong đại học ngành điều khiển tự động tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Thành Long muốn đi làm nghiên cứu, và đặt mục tiêu xin vào nhóm nghiên cứu của giáo sư Shuzhi Sam Ge- giáo sư đầu ngành thế giới tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS).
“Tôi viết thư làm quen, và nhờ thành tích 3 lần đạt giải nhất Olympic Toán học sinh viên toàn quốc nên tôi được giáo sư chú ý và ủng hộ giành học bổng NUS. Đây là học bổng nghiên cứu tiến sỹ tốt nhất của Singapore lúc bấy giờ”, Vũ Thành Long nhớ lại.
Sau khi làm xong tiến sỹ, Long lại tiếp tục đặt mục tiêu sang Mỹ nghiên cứu. Chàng trai trẻ mơ ước được đến Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT)- trung tâm khoa học công nghệ của nước Mỹ và thế giới để có thể nắm bắt được những tiến bộ kỹ thuật hiện đại bậc nhất thế giới.
Anh Long lại tiếp tục viết thư làm quen các giáo sư ở ngôi trường danh giá này. Nhờ thành tích lọt top 5 luận án tiến sỹ xuất sắc nhất của NUS, TS Long được giáo sư Konstantin Turitsyn chú ý và nhận đến học viện để làm nghiên cứu sau tiến sỹ (postdoc).
“Đây là khoảng thời gian nghiên cứu hiệu quả nhất của tôi, với rất nhiều công trình mà tôi tâm đắc và nhiều tài trợ nghiên cứu từ Bộ Năng lượng và Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Mỹ,” Thành Long nói.
Sau 1,5 năm, Thành Long được đề bạt lên làm nhà nghiên cứu và đồng thời cũng là giảng viên tại MIT, chuyên ngành năng lượng mới. Anh được nghiên cứu độc lập nhưng vẫn cộng tác với giáo sư Turitsyn.
Nhờ sự ủng hộ của giáo sư Turitsyn, Học viện MIT đặc cách bổ nhiệm Thành Long làm giảng viên và nhà nghiên cứu tại đây sớm khoảng 1,5 năm so với những người nghiên cứu sau tiến sỹ khác.
Đó cũng có thể coi là một kỷ lục đáng mơ ước đối với nhiều bạn trẻ ở Việt Nam.
“Với tôi thì đó cũng là những thành tích đáng kể. Nhưng tôi hiểu rằng nó rất khiêm tốn so với những người khác. Chẳng hạn giáo sư Jean-Jacques Slotine - người mà tôi đang hợp tác nghiên cứu cùng chỉ mất 2 năm để hoàn thành nghiên cứu tiến sỹ tại MIT và trở thành giáo sư ở MIT lúc 24 tuổi. Tôi mong muốn đi theo con đường của ông.” TS Vũ Thành Long chia sẻ.
Nghiên cứu của TS Long hiện đang tập trung chính vào lĩnh vực năng lượng. Anh chia sẻ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (từ gió, mặt trời…) ngày càng được đưa vào hệ thống điện nhiều hơn để giảm ô nhiễm môi trường gây ra bới các nguồn điện truyền thống (than đá, hạt nhân…).
Tuy nhiên các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời đều tăng giảm liên tục, khó đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và có thể gây thiếu điện hoặc mất điện trên diện rộng.
“Nghiên cứu hiện tại của tôi tập trung vào tính ổn định của cả hệ thống điện lớn khi có tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo. Chẳng hạn tôi trả lời câu hỏi: Với mỗi hệ thống thì có thể tích hợp bao nhiêu phần trăm năng lượng tái tạo? Nếu có nguy cơ mất ổn định hệ thống thì phải làm gì?”, nhà khoa trẻ của MIT chia sẻ.
Anh Long đang đề xuất một hướng nghiên cứu mới để duy trì tính ổn định của hệ thống điện bằng cách thay đổi cấu trúc hệ thống.
“Chẳng hạn, khi sự sụt giảm hoặc tăng mạnh của năng lượng tái tạo gây ra sự cố tại một khu vực thì phải phối hợp việc đóng ngắt hoặc thay đổi các đường dây điện thông minh như thế nào để tránh khu vực có sự cố và duy trì tính ổn định của hệ thống. Hiện nay dự án này đã được Bộ Năng lượng Mỹ (chương trình IDEAS) chấp nhận về chủ trương (concept paper) vì có ý tưởng đột phá”, TS Thành Long giải thích cụ thể.
TS Vũ Thành Long tại Học viện Công nghệ Massachussets. |
Các nghiên cứu tại MIT thường là hướng đến những nghiên cứu có tính mở đường. Việc đưa vào thực tế sẽ cần thêm rất nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá cả về kinh tế và tác động lâu dài.
Đó đều là những việc cần công sức và sự phối hợp của nhiều nhà khoa học và các kỹ sư điện. Hiện tại nhóm của anh Long đang hợp tác với một số công ty điện lực của Mỹ để thử nghiệm và đánh giá.
Tuy làm việc ở những dự án nghiên cứu lớn ở Mỹ nhưng anh Long luôn đau đáu mong muốn cống hiến những kiến thức của bản thân cho ngành năng lượng nước nhà.
Việt Nam có lợi thế là một trong những nước nhiệt đới, được phân bổ nhiều ánh nắng mặt trời, có bờ biển dài trên 3.000km với nguồn năng lượng sóng biển lớn, đồng thời lượng gió tại nhiều vùng miền cũng rất dồi dào.
“Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên cần nghiên cứu xem nên phát triển bao nhiêu phần trăm năng lượng tái tạo là hợp lý, cả về mặt kinh tế trong so sánh với đầu tư trước mắt và cả về tác động lâu dài lên tính ổn định của hệ thống điện”, giảng viên trẻ của MIT lưu ý.
Vì vậy, nghiên cứu của anh Long có thể giúp Việt Nam hoạch định phát triển năng lượng tái tạo một cách hợp lý.
“Trong tương lai, tôi cũng mong có thể kết nối với một số tổ chức quốc tế để trợ giúp Việt Nam xây dựng phát triển năng lượng tái tạo, ví dụ quỹ Breakthrough Energy Coalition”, giảng viên Vũ Thành Long bật mí.
Với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển ngành năng lượng mới ở Việt Nam, nhóm của anh Long sẽ tổ chức một hội thảo quốc tế cuối năm nay.
Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về năng lượng mới mà anh Long đang tham gia tổ chức (http://icset-ieee.org/2016/) diễn ra 2 năm 1 lần, và đây là lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Đặc biệt, TS Long đã mời được các giáo sư hàng đầu thế giới như: Giáo sư P. R. Kumar (University Distinguished Professor của ĐH Texas A&M, Viện sỹ Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Mỹ và Viện sỹ Cao cấp của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới); Giáo sư Hsiao-Dong Chiang (ĐH Cornell, thành viên cao cấp của hiệp hội kỹ thuật quốc tế-IEEE Fellow); Giáo sư Longya Xu (ĐH Ohio, thành viên cao cấp của hiệp hội kỹ thuật quốc tế-IEEE Fellow)... tham gia vào hội thảo này tại Việt Nam.
Các giáo sư đầu ngành này sẽ có các bài phát biểu trình bày nghiên cứu và đưa ra các gợi ý cho tương lai và định hướng cho lĩnh vực năng lượng mới.
“Tôi hy vọng hội nghị này sẽ mang đến những sáng kiến thú vị, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế, và là một cầu nối thúc đẩy, tạo điều kiện hợp tác lâu dài giữa các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam với các nhà khoa học có tên tuổi trên thế giới”, anh Long nói./.