Ngày 17/9, tại gian trưng bày của Đảng Cộng sản Pháp khu vực Montreuil tại Hội Báo Nhân Đạo Pháp đã diễn ra cuộc tọa đàm về vụ bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, dưới sự chủ trì của Hội Hữu nghị Pháp -Việt (AAFV) và Ủy ban ủng hộ bà Trần Tố Nga trong vụ kiện.
Mở đầu cuộc tọa đàm, nhà sử học Alain Ruscio đã điểm lại những nét tổng quan về cuộc chiến tranh Việt Nam, từ thời chống Pháp đến thời chống Mỹ và việc sử dụng vũ khí hóa học, như bom napal và chất da cam, khó nhận biết hơn dưới dạng chất diệt cỏ, nhưng để lại những hậu quả rất nặng nề và dai dẳng, gây bệnh tật và di chứng nhiều thế hệ.
Nội dung trọng tâm của cuộc tọa đàm là phần trò chuyện của chính nạn nhân - bà Trần Tố Nga về cuộc đời bà, về hoàn cảnh bà bị nhiễm chất độc da cam, và về bước đường đi tìm công lý trong vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ. Bà sinh ra ở Nam Bộ, ra Bắc.
Năm 1965, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, bà trở lại miền Nam với vai trò phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, hoạt động tại Tây Ninh, Bình Dương, Sài Gòn - Gia Định. Đây là những địa bàn ác liệt, và bà đã bị nhiễm chất độc da cam mà không biết và không ý thức được tác hại của nó. Bà bị đối phương bắt, đi tù 8/1974 và sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975 bà về làm giáo viên.
Bà Trần Tố Nga ý thức rõ về tác hại của chất độc da cam, bản thân bị những cơn đau do nhiễm độc dày vò, khi con gái đầu của bà chết vì bệnh tim lúc mới 17 tháng tuổi, con thứ hai bị bệnh Alpha Thalassenue do di chứng từ mẹ.
Sau khi nghỉ hưu sớm, bà hoạt động xã hội, chăm sóc những trẻ em bị tật nguyền, nạn nhân của chất da cam. Do có cống hiến cho việc vun đắp tình hữu nghị Việt-Pháp, bà được chính phủ tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh. Bà sang Pháp sống và nhập quốc tịch Pháp.
Năm 2009, bà đã đứng ra làm chứng tại Tòa lương tâm quốc tế Paris ủng hộ những nạn nhân của chất da cam. Nhân dịp này, bà gặp luật sư William Bourdon và được ông đề nghị đâm đơn kiện các công ty Mỹ. Khi đó, đã ở tuổi 60, ban đầu bà e ngại, từ chối.
Nhưng khi thấy rõ việc này không chỉ đòi công lý cho riêng bà, mà còn cho tất cả những người bị ảnh hưởng của chất da cam, bà chấp thuận. Thêm nữa, luật pháp Pháp cho phép luật sư tiến hành các vụ kiện đa quốc gia bảo vệ lợi ích của công dân mình.
Bà đâm đơn kiện ngày 14/5/2015. Dù sao, vụ kiện cũng giống việc "chàng David bé nhỏ chống lại gã khổng lồ Gohliad, bởi trước bà là 26 công ty lớn, trong đó 19 đã chấp nhận thuê luật sư theo kiện. Nhưng bà thấy không lẻ loi. Ngoài sự giúp đỡ nhiệt thành, vô điều kiện của luật sư William Bourdon và 2 trợ lý, bà nhanh chóng được sự ủng hộ ở nhiều nơi, ngay cả ở Mỹ. Tại Pháp đã lập cả một ủy ban để ủng hộ vụ kiện của bà.
Bà tin tưởng ở tinh thần đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh vì công lý, không chỉ cho người Việt Nam mà cho mọi người. Bà bày tỏ sự cảm ơn những người đã ủng hộ tinh thần và vật chất cho bà từ khi bước vào vụ kiện. Sau nhiều phiên thủ tục phức tạp và phiền nhiễu do các đòi hỏi của các công ty Mỹ, dự kiến phiên tòa đầu tiên sẽ được mở trong quý 1/2018.
Bà Trần Tố Nga giãi bày: "Tôi tự nhủ mình như hạt bụi của cuộc đời, có thể bị cuốn đi bất cứ lúc nào. Mong hạt bụi ấy một ngày có thể thấm trong các bạn, để chúng ta cùng đoàn kết trong cuộc đấu tranh chung vì công lý".
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, ông Đỗ Đức Thành, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp nêu tổng quan những hậu quả của chất da cam Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1961-1971, khiến hàng triệu người Việt Nam và cả quân nhân Mỹ và các nước cùng tham chiến khi đó bị nhiễm độc, bệnh tật, di chứng đến nhiều thế hệ sau.
Đó là thực tế không thể chối cãi, cần có những hình thức khắc phục, bồi thường. Ông bày tỏ sự ủng hộ và ngưỡng mộ tinh thần đấu tranh đòi công lý, không chỉ cho bản thân, mà cho nhiều người trong vụ kiện của bà Trần Tố Nga; cảm kích trước sự ủng hộ tinh thần và vật chất cho vụ kiện.
Ông Jean Pierre Archambault, Tổng Thư ký AAFV và bà Hélène Luc, Chủ tịch danh dự AAFV đều phát biểu về ý nghĩa của vụ kiện và sự ủng hộ nhiệt thành của AAFV để vụ kiện thành công.
Mọi người đều có chung đánh giá vụ kiện đã vượt ra ngoài khuôn khổ cá nhân mà mang tính quốc tế và dù còn rất nhiều khó khăn phía trước, thì vụ kiện là một biểu trưng của tình đoàn kết, cùng đấu tranh vì công lý./.
Tiến hành phiên xử đầu tiên của vụ kiện chất độc da cam tại Pháp