Trong khi các đạo diễn trẻ khác thường chọn các cốt truyện xã hội hoặc tình cảm ướt át nhằm dễ thu hút khán giả để làm phim thì ngược lại John Trịnh (tên thường gọi của Trịnh Long Hoàng) lại chọn một đề tài nhạy cảm, thậm chí đang gây ra nhiều tranh luận với bộ phim đầu tay của anh mang tựa đề "Agent Orange: 30 years later” (Chất Da cam: 30 năm sau)…

2012_303_13_a2.jpg
John Trịnh - tên thường gọi của Trịnh Long Hoàng

John Trịnh năm nay 53 tuổi, lớn lên ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh và sinh sống tại Mỹ từ năm 1987. Anh chưa từng biết về chất độc da cam cho tới năm 2005, khi tình cờ đọc tin Chính phủ Mỹ bác đơn kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam. Nhìn thấy hình ảnh các nạn nhân trên mạng Internet, anh sững sờ. Cũng từ đó John Trịnh bắt đầu để tâm nghiên cứu sâu xa hơn về vấn đề này và quyết định làm bộ phim về sự tàn bạo và hiệu ứng lâu dài của chiến tranh. Dù chỉ học về hội họa và không được đào tạo bài bản về lĩnh vực điện ảnh nhưng với mong muốn đóng góp tiếng nói của mình trong việc đòi công lý cho các nạn nhân chất da cam Việt Nam, John Trịnh đã có những thước phim sống động để tố cáo sự tàn bạo và nỗi ám ảnh lâu dài của chiến tranh.
Nội dung chính bộ phim "Chất da cam: 30 năm sau” nói về câu chuyện của các nạn nhân chất độc da cam, từ miền Bắc vào tận miền Nam Việt Nam. Những thước phim không quá cầu kỳ về kỹ thuật, cũng không hoa mỹ về câu từ nhưng lại chinh phục hoàn toàn khán giả bởi những câu chuyện có thật được kể một cách chân thực, xúc động và thậm chí có phần tàn nhẫn. Tác giả đã thực hiện những cuộc phỏng vấn cùng với những hình ảnh được chọn lọc từ kho lưu trữ để kể những câu chuyện về di chứng của nỗi đau da cam.
Áp phích bộ phim "Chất da cam: 30 năm sau”
Tính đến nay bộ phim đã được trình chiếu ít nhất tại 20 Liên hoan phim quốc tế tại Mỹ, Pháp, Italia, New Zealand, Pháp, Qatar... Rất nhiều người đã rơi nước mắt sau khi xem phim. Nguyện vọng của John Trịnh là mong Chính phủ Mỹ thừa nhận sai lầm trong việc sử dụng chất da cam trong cuộc chiến ở Việt Nam và bồi thường cho tất cả các nạn nhân chất da cam. John Trịnh cho biết, anh đã gửi bộ phim cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, nhà tỷ phú Bill Gates và nhiều nhân vật nổi tiếng khác tại Mỹ.Bên cạnh đó, bộ phim này còn giúp tác giả của nó giành được khá nhiều giải thưởng quốc tế như giải phim tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Độc lập Quốc tế New York (2009), giải thưởng Hòa bình ở Liên hoan phim Medea - Italy (2010), giải thưởng Liên hoan Điện ảnh Quốc tế ở Houston lần thứ 42… Bằng tất cả tâm huyết của mình, John Trịnh mong muốn có sự đóng góp nhiều hơn và tích cực hơn của giới truyền thông Việt Nam đối với vấn đề chất da cam trong hành trình này. Anh tin rằng, công lý không thể dừng lại: "Với tôi, vấn đề chất da cam không chỉ là cuộc đấu tranh của riêng các nạn nhân chất da cam, mà phải là cuộc đấu tranh của tất cả những người Việt Nam”./.