Xử lý nợ xấu mang tính hệ thống là yêu cầu cấp thiết

Đánh giá về tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam và yêu cầu cải cách, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Tại thời điểm 31/3/2012, tỉ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD là 3,57%. Tuy nhiên, theo công bố của NHNN, nợ xấu thực tế ở mức 8,6%.

xulynoxau.jpg
Bài toán xử lý nợ xấu vẫn còn gây nhiều tranh luận tại Việt Nam (Ảnh: Dân trí)

Giả định sự chênh lệch trên duy trì đến tháng 9/2012, TS Thành dẫn chứng: tỉ lệ nợ xấu thực của hệ thống ngân hàng là 9,53% với giá trị 241.000 tỉ đồng. Đến cuối tháng 2/2013, tỷ lệ nợ xấu được công bố 6%. Với những con số nợ xấu khác nhau, nợ xấu của hệ thống ngân hàng nằm trong khoảng 180.000 - 300.000 tỷ đồng với điều kiện việc phân loại nợ và đánh giá tài sản đảm bảo được thực hiện khá tốt.

“Trường hợp nợ xấu tăng gấp đôi so với mức hiện nay, vốn của các ngân hàng ảnh hưởng nghiêm trọng, mức an toàn vốn ước tính có thể giảm xuống một nửa so với mức hiện nay”- TS Thành nhấn mạnh.

Vì vậy, TS Thành cho rằng, với trình trạng nợ xấu trong mối quan hệ với các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam, xử lý nợ xấu mang tính hệ thống là yêu cầu cấp thiết.

PGS. TSKH Võ Đại Lược:Bài học trên thế giới, như ở Indonesia xử lý nợ xấu năm 1998 đã phải mất 50% giá trị GDP và hàng loạt ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phải phá sản. Dường như ở Việt Nam không có sự trả giá đó, vậy liệu có xử lý được nợ xấu không?
Về một số yếu tố tác động tới nợ xấu, TS Nguyễn Đức Thành chỉ ra gồm: Yếu tố kinh tế vĩ mô, như: Nền kinh tế tăng trưởng nhanh, không bền vững, tỷ lệ lạm phát cao trong nhiều năm; Số lượng doanh nghiệp phá sản tăng nhanh, giá cả các tài sản giảm dẫn tới suy giảm khả năng trả nợ của khách hàng và cuối cùng làm gia tăng nợ xấu ngân hàng; Chính sách phát triển kinh tế phụ thuộc vào trụ cột là doanh nghiệp nhà nước được thực hiện trong thời gian dài nhưng không hiệu quả.

Bên cạnh đó, còn có yếu tố của hệ thống ngân hàng tác động tới nợ xấu, như: Tốc độ tăng trưởng của năm 2010 và các năm trước đó đều ở mức trên 23%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP tương ứng; Cơ cấu danh mục đầu tư tín dụng kém bền vững; Dư nợ trong lĩnh vực bất động sản không phải cao nhất, nhưng phần lớn các dự án bất động sản, xây dựng thường có tài sản đảm bảo là các bất động sản cũng như rất nhiều khoản vay khác có tài sản đảm bảo là bất động sản; Tình trạng sở hữu chéo của các ngân hàng, việc thành lập các ngân hàng và cho vay lại các tập đoàn và sự gia tăng trong vay liên ngân hàng; Khả năng quản trị của các ngân hàng, chất lượng thẩm định các khoản vay chưa tốt và nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn của các ngân hàng quá cao.

Giải quyết nợ xấu nên theo 3 giai đoạn

Từ thực tế nếu trên, TS Nguyễn Đức Thành đề xuất: Chính phủ cần có những giải pháp ngắn hạn giải quyết vấn đề trước mắt, nhưng cần kết hợp với giải pháp dài hạn nhưng đảm báo tính khả thi. Các giải pháp xử lý nợ xấu và tái cấu trúc cần được thực thi kếp hợp với giải pháp tái trúc nền kinh tế gồm khu vực doanh nghiệp và khu vực công .

TS Lê Xuân Nghĩa: Xử lý nợ xấu bây giờ cần phải dùng ngay từ phá băng tín dụng, phục hồi cầu. Vì chúng ta đang bị đóng băng tín dụng. Đơn cử, Mỹ đã tốn kém rất nhiều để xử lý tảng băng này. Còn Việt Nam thì cứ nghĩ hạ lãi suất là băng tín dụng tan, đây là điều khó chấp nhận.

TS Nguyễn Đức Thành cũng lưu ý cần quan tâm tới các vấn đề như: xây dựng cơ sở pháp lý cho việc tham gia của Chính phủ và các cơ quan liên quan, tạo hành lang pháp lý để xử lý ngân hàng có vấn đề, xử lý ngân hàng đổ vỡ và quản lý khủng hoảng khả thi, minh bạch và đủ hiệu lực thi hành; Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả của các cơ quan trong quá trình quản lý, giám sát thị trường tài chính; Nâng cao hiệu quả và khả năng cưỡng chế thực thi của các quy định.

Hơn nữa, mục tiêu của chương trình xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần được xác định rõ ràng. Đó là xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh,

thực hiện tốt chức năng trung gian tài chính, chi phí xử lý tái cấu trúc thấp.

Đối với xử lý nợ, TS Thành đặc biệt nhấn mạnh việc trước hết cần xác định đúng quy mô, mức độ nghiêm trọng và tác động của nợ xấu tới nền kinh tế.

Riêng về công ty AMC, TS Thành cho rằng, nguồn vốn hình thành, lộ trình xử lý nợ xấu, quy trình xử lý (gồm mua nợ, cơ chế thu hồi, quản lý, cơ cấu và bán tài sản) cần được đề cập rõ ràng. Đó là nguồn vốn có thể được hình thành từ các nguồn như đóng góp của ngân hàng, tài trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, phát hành trái phiếu có đảm bảo của Chính phủ, trái phiếu do AMC phát hành hoặc do đơn vị cùng trực tiếp tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu phát hành.

Tuy nhiên, theo quan điểm của TS Thành, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách hiện nay và ảnh hưởng của việc sử dụng nguồn vốn công tới nợ nước ngoài, tỷ lệ tài trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước chỉ nên ở mức dưới 20%.

Về lộ trình và quy trình xử lý nợ, TS Nguyễn Đức Thành đề xuất dự kiến thời gian từ 7 đến 10 năm tùy thuộc vào khối lượng nợ xấu và mức độ phức tạp khi xử lý. Vì vậy, TS Thành cùng các cộng sự của mình đã đề xuất 3 giai đoạn xử lý nợ xấu: Giai đoạn một sẽ là giai đoạn mua lại nợ từ các ngân hàng. Giai đoạn 2 là tìm hiểu, đánh giá hoạt động  kinh doanh của các công ty vay nợ và xây dựng kế hoạch kinh doanh. Giai đoạn 3 sẽ là giai đoạn dài nhất, thực hiện kế hoạch kinh doanh nhằm trả nợ dần nhằm thanh toán xong khoản nợ của công ty theo kế hoạch đã đặt ra.

Về nguyên tắc chia sẻ thiệt hại, theo TS Thành, cùng với giải pháp nợ xấu, Chính phủ cần thực hiện kết hợp với biện pháp duy trì niềm tin./.