Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) diễn ra sáng 9/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ quan trọng mà cơ quan này phải thực hiện trong năm nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị (ảnh: Chinhphu.vn) |
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Thủ tướng đặt ra là tập trung thực hiện bằng được mục tiêu kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012. "Lạm phát từ tiền nhiều mà ra. Với tư cách thành viên Chính phủ, lại là người đứng đầu ngân hàng trung ương, trước hết, Thống đốc phải chịu trách nhiệm với Chính phủ về lạm phát" – Thủ tướng nói.
Điều hành chính sách tiền tệ năm 2013 như thế nào để kiểm soát được lạm phát phải thấp hơn và tăng trưởng phải cao hơn. Đây là nhiệm vụ kép, vì nếu tăng trưởng dưới 5% thì thất nghiệp sẽ tăng. Để làm được nhiệm vụ này, theo Thủ tướng, NHNN phải bám sát việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, hiệu quả hơn, sát với cuộc sống để đạt được yêu cầu kiểm soát được lạm phát thấp hơn 2012. Đây là quyết tâm chính trị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
“Tổng dư nợ tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, thị trường mở hoạt động thế nào, cung ứng tiền ra sao tôi giao cho Thống đốc, kể cả phát hành, cung ứng tiền. Nhiệm vụ của NH Trung ương là điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiềm chế lạm phát, đồng thời giữ điều hành tỷ giá tốt đẹp như thời gian qua” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thanh khoản và hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế; tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ... Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để có các giải pháp cụ thể hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng nêu rõ: “Phải đưa vốn tín dụng tăng trưởng và đúng mục tiêu, hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là nhiệm vụ chung không chỉ của NHNN mà cả của các NHTM. Lợi ích của NHTM cũng là lợi ích của DN. Muốn vậy, hệ thống NH phải chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN”.
Tập trung xử lý nợ xấu
Việc xử lý nợ xấu cũng được người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị này. Thủ tướng chỉ đạo phải rà soát, đánh giá đúng tình hình, phân loại nợ xấu cụ thể theo từng ngành nghề, lĩnh vực; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xử lý nợ xấu; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại nợ.
Theo Thủ tướng, việc xử lý nợ xấu phải gắn với tái cơ cấu ngân hàng, đồng thời các ngân hàng cũng phải tự cơ cấu và điều chỉnh lại để hoạt động mạnh hơn và hiệu quả hơn.
Thủ tướng cho biết: “Tôi đã nghe báo cáo về số nợ xấu và việc trích lập dự phòng rủi ro của hệ thống NH, nhưng để giải quyết nợ xấu tất cả phải nhờ vào NH. NH phải là người xử lý trước hết và chủ yếu về nợ xấu”.
Cùng với việc tập trung xử lý nợ xấu, Thủ tướng yêu cầu NHNN và các NHTM phải tự mình cơ cấu lại để mạnh hơn, hiệu quả hơn. Phải cơ cấu lại để không còn NH yếu kém. Thủ tướng nêu ví dụ cụ thể: “Không để tình trạng NHCP để một số cổ đông lớn chi phối, lập ra NH coi như của mình, lập công ty con kê khống tài sản rút tiền ra. Cái đó là vi phạm pháp luật, là lừa đảo. Chúng ta phải đưa hoạt động NH thực sự lành mạnh, theo thông lệ quốc tế, kinh tế thị trường”.
Thủ tướng cũng cho rằng, việc đưa ra 9 NH yếu kém để cơ cấu lại và đã làm được khá tốt, nhưng quan trọng hơn nữa là đừng để tình trạng nợ xấu xảy ra nữa.
Việc quản lý thị trường vàng, theo Thủ tướng, phải đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, không để tác động đến tỷ giá, lãi suất, việc mất cân đối xuất nhập khẩu, không để ảnh hưởng đến giá trị đồng Việt Nam. Không để vàng trở thành đồng tiền chủ yếu trên thị trường.
Để lành mạnh hơn thị trường vàng, Thủ tướng yêu cầu NHNN phải đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân. Cố gắng tính mọi cách thích hợp để vàng trở thành vốn, thành nguổn đầu tư cho nền kinh tế.
Công tác thanh tra, giám sát trong ngành ngân hàng cũng được Thủ tướng lưu tâm. Thủ tướng đề nghị NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; chú trọng hoàn thiện thể chế về hoạt động ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đầy đủ, minh bạch và bình đẳng cho các tổ chức tín dụng; tăng cường công tác giải trình, kịp thời cung cấp thông tin bằng mọi hình thức để xã hội hiểu đúng về hoạt động ngân hàng, góp phần tạo ổn định tâm lý xã hội, tạo đồng thuận triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao…/.