Bước đầu, sản phẩm OCOP đã biến những tài nguyên bản địa chưa được khai thác thành những sản phẩm chất lượng, tạo được niềm tin của người tiêu dùng, đã có những sản phẩm làm ra không đủ nhu cầu của người tiêu dùng, đây là tín hiệu vui khi sản phẩm OCOP được tín nhiệm.
Xây dựng thương hiệu hướng đến người tiêu dùng
Chuyên kinh doanh các sản phẩm Trà Mãng cầu, Công ty TNHH Cầm Thiều, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư cơ sở vật chất để hoạt động và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và sản xuất thực phẩm nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm Trà Mãng cầu của công ty được xếp hạng OCOP 4 sao, hiện đã có mặt ở nhiều địa phương và được đưa vào một số siêu thị trên cả nước.
Đồng thời, thông qua việc phát triển sản phẩm OCOP, công ty đã liên kết, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho các hộ trồng mãng cầu ở địa phương, giải quyết việc làm cho 15 lao động.
Ông Dương Minh Trung, Giám đốc công ty cho biết: “Việc marketing online và việc bán hàng online thì vẫn thực hiện diễn ra thường xuyên để tiếp cận người tiêu dùng. Hiện tại thì đa số người tiêu dùng cũng mua hàng thông qua kênh online nhiều, công ty đang tận dụng để bán hàng và sự truyền thông quảng bá sản phẩm trên trang thương mại điện tử”.
Hơn 3 năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã công nhận 99 sản phẩm OCOP; trong đó 24 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 75 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Theo đánh giá của ngành chức năng địa phương, hiện nay, các sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời được các đơn vị phân phối bán lẻ, sàn giao dịch thương mại điện tử ký kết hợp đồng bao tiêu số lượng lớn.
Qua triển khai chương trình OCOP, đã giúp nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng, thế mạnh của địa phương khẳng định được thương hiệu tại thị trường trong nước.
Cơ sở chế biến sản phẩm Ba Khía Cô Mới ở phường 3, thành phố Sóc Trăng là một trong nhiều ví dụ điển hình khi sản phẩm đạt 3 sao OCOP của địa phương thì sản phẩm được thị trường chấp nhận, tạo được uy tín và khách hàng biết đến nhiều hơn. Chị Phạm Thị Mới, chủ cơ sở chia sẻ, hiện cơ sở đã có trên 30 đại lý cả trong và ngoài tỉnh, cùng doanh thu tăng lên khoảng 30% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP.
“Sản phẩm của cơ sở tham gia Ocop là sản phẩm ba khía muối truyền thống. Sản phẩm ba khía này hiện tại là đống keo, có thể giữ được từ 6-8 tháng mà không bị mất vị và mất thịt trong ba khía. Sau khi tham gia chương trình Ocop, sản phẩm ba khía của em được nhiều người biết đến, thị trường cũng rộng hơn” chị Mới nói.
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã kích hoạt và đánh thức được khu vực nông thôn, nhiều sản phẩm từ tài nguyên bản địa được ra đời, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa, biến những sản phẩm từ làng quê đến với người tiêu dùng. Trong thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã có 161 sản phẩm OCOP, trong đó có 54 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 104 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Để thực hiện ước mơ đưa sản phẩm bay cao, bay xa, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước, Đồng Tháp đã ký kết với nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại để trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc sản, sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, đã thành lập Trung tâm Giới thiệu đặc sản và quảng bá du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội, TPHCM … để giới thiệu.
Ông Võ Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Định hướng sắp tới thì chúng tôi đẩy mạnh vào bao bì, mẫu mã sản phẩm cũng như các mã vạch để đạt đáp ứng được các tiêu chuẩn để xuất khẩu. Hướng về lâu về dài thì chúng tôi sẽ đưa vào các sản phẩm này mục đích để xuất khẩu, để giúp cho bà con nông dân ở đây tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, để đánh giá sản phẩm OCOP có bốn yêu cầu quan trọng, thứ nhất sản phẩm phải có vùng nguyên liệu nằm tại địa phương; thứ hai là sử dụng lao động địa phương; thứ ba sản phẩm phải đạt chất lượng cao về an toàn vệ sinh thực phẩm và thứ tư phải có chỉ dẫn địa lý. Vùng ĐBSCL hiện có hơn 500 sản phẩm OCOP, các sản phẩm thể hiện tính đa dạng, mang lại giá trị kinh tế cao và được các địa phương, chú trọng, quảng bá trong và ngoài nước.
“Sản phẩm đã khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương thông qua các sản phẩm từ trái cây, thông qua các sản phẩm từ thủy sản, kể cả vấn đề lúa, thể hiện rất là rõ đây là những sản phẩm đa dạng của vùng nông thôn” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Thời gian qua các địa phương trong vùng ĐBSCL đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm vươn xa và chinh phục người tiêu dùng, khẳng định được giá trị của sản phẩm, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của nông sản địa phương, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Bên cạnh kết nối, ký kết hợp tác để quảng bá, giới thiệu sản phẩm thì các doanh nghiệp, chủ thể OCOP vẫn chưa quan tâm nhiều đến bao bì, mẫu mã, bộ nhận diện thương hiệu, đây là điểm yếu chưa thể vươn xa của nhiều sản phẩm OCOP đến với thị trường quốc tế./.