“Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội lực và phát triển gia tăng giá trị, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018. Tại Quảng Nam, sau gần 3 năm triển khai, số lượng sản phẩm được công nhận cao nhất khu vực và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Giai đoạn tới, tỉnh Quảng Nam ưu tiên đầu tư, phát triển sản phẩm OCOP liên kết chế biến sâu, có giá trị xuất khẩu.
3 năm qua, tỉnh Quảng Nam huy động hơn 280 tỷ đồng xây dựng được 210 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn, gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm, nội thất và trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch... Bình quân 1 sản phẩm được UBND cấp huyện hỗ trợ từ 120 - 150 triệu đồng. Các chủ thể sản phẩm đã kết nối hợp tác với 23 đối tác tư vấn, hỗ trợ triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm”.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã hình thành 10 điểm, trung tâm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của địa phương. Qua đó, chất lượng sản phẩm dần được nâng cao, tạo ra doanh thu tăng hơn so với trước khi tham gia chương trình.
Ông Mai Đình Lợi, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Quảng Nam cho rằng, qua điều tra 106 sản phẩm được công nhân giai đoạn 2018-2021, tổng doanh thu đạt 70 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 19 tỷ đồng, cao hơn 34 % so với trước khi sản phẩm tham gia OCOP.
“Tỉnh tiếp tục tập trung nâng cấp, nâng hạng hơn 200 sản phẩm được công nhận giai đoạn 2018-2020 đưa lên thứ hạng cao hơn, chất lượng hơn để có sức cạnh tranh mạnh hơn. Tỉnh cũng chọn những sản phẩm mới liên kết theo chuỗi, hình thành những vùng nguyên liệu để truy xuất được nguồn gốc. Đặc biệt, tỉnh chú trọng công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở nhiều điểm bán hàng OCOP và tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, giúp người sản xuất bán sản phẩm OCOP nhiều hơn”, ông Lợi cho biết.
Thực tế, chủ thể có sản phẩm OCOP tại tỉnh Quảng Nam được công nhận chủ yếu là hộ gia đình sản xuất kinh doanh (chiếm hơn 40%). Năng lực sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ, khiến thức quản trị còn nhiều hạn chế, khó thích ứng với thị trường, các doanh nghiệp, HTX có phát triển số lượng, nhưng vẫn là quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam nhiều nhưng còn ở dạng thô, chưa tham gia chế biến sâu, sản phẩm trùng lắp về chủng loại vì vậy giá trị cạnh tranh thấp, chủ yếu tiêu thụ nội địa.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đưa OCOP trở thành một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn và đô thị của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh xây dựng mỗi xã có tối thiểu 2 sản phẩm OCOP phát triển theo chuỗi giá trị.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh khuyến khích và ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm có tính chủ lực, tính đặc trưng ở địa phương, xây dựng được vùng nguyên liệu để mở rộng sản xuất, tham gia liên kết chuỗi giá trị, nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất nông sản hàng hóa tại địa phương và sản phẩm xuất khẩu.
“UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương bán sản phẩm theo hình thức online, rất phù hợp với tình hình Covid-19 hiện nay. Thông qua Hội Nông dân, hội nghề nghiệp của tỉnh đã đào tạo cho người dân làm quen với thương mại điện tử, thậm chí xuất khẩu sản phẩm tại nhà. Mặt khác, tỉnh tăng cường tổ chức quảng bá sản phẩm, từ đó đem lại doanh thu, nâng cao đời sống cho chính những người nông dân làm ra sản phẩm”, ông Bửu thông tin thêm./.