Hôm nay ( 26/7), tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lăk, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị “Xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt thích ứng với bối cảnh tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống Sar-CoV2, thực thi lệnh 248 và 249 của Trung Quốc”.

Theo số liệu tại hội nghị, sản lượng nông sản Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng nông sản nhập khẩu vào nước này. Hiện Trung Quốc là thị trường chính của rau quả Việt Nam xuất khẩu. Tuy nhiên, yêu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với sản phẩm ngày càng cao; các mặt hàng có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Đặc biệt phải đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định nghiêm ngặt về phòng chống Covid-19.

Lệnh 248 về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu và lệnh 249 về Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc được ban hành tháng 4/2021 và có hiệu lực từ tháng 1/2022 với các quy định mới khắt khe hơn, 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ đạt gâng 800 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chỉ rõ, Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Song, thị trường này đã thay đổi khi hội nhập nền kinh tế quốc tế. Những năm gần đây, Bộ NN&PTNT đã tích cực đàm phán để với phía Trung Quốc để các loại rau quả được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Tính đến tháng 7 năm nay, nước ta đã có 11 loại trái cây được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Cấp phép cho trái cây vào thị trường Trung Quốc cho thấy con đường xuất khẩu tiểu ngạch của nông sản Việt dần khép lại. Ông Lê Thanh Hoà cho rằng đã đến lúc nông sản Việt Nam cần đi thẳng vào thị trường nội địa của Trung Quốc, bằng đường hàng không, đường biển không chỉ đi qua trung gian, đường bộ như như hiện nay. Để làm được điều này doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Lệnh 248, 249, tránh bị ngưng trệ việc xuất khẩu.

“Trung Quốc đang có sự thay đổi rất lớn trong hệ thống giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm nhập khẩu. Họ chuyển sang hình thức kiểm soát sản phẩm cuối cùng và giám sát toàn bộ hệ thống. Do vậy, những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần hoàn thiện hệ thống từ hồ sơ đến quy trình sản xuất, giám sát các nguy cơ. Nếu như không đáp ứng được yêu cầu đó, doanh nghiệp có nguy cơ mất mã số hay không được phép xuất khẩu là tất nhiên”, ông Hòa chỉ rõ./.