Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, sáng mai (4/6), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước Quốc hội.
Trong báo cáo về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Quốc hội lần này, Chính phủ tiếp tục khẳng định sự cần thiết của việc đầu tư dự án, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao trong sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, báo cáo còn đưa ra những tính toán kiểm định, tiếp tục khẳng định dự án không tác động nhiều tới nợ công…
Tính toán kĩ quy mô và hiệu quả
Bày tỏ quan điểm về Dự án xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Đại biểu Bùi Thị An, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, hơn lúc nào hết cần phải xác định giao thông luôn đi trước một bước, một khi có hạ tầng giao thông sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế xã hội một cách bền vững và tổng thể.
“Giao thông có đến đâu thì kinh tế ở đó phát triển. Tôi lấy ví dụ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa hay cả như vùng ĐBSCL…, khi tất cả các sản phẩm hàng hóa người dân sản xuất ra, khai thác được, nếu không có giao thông để lưu thông thì cũng chẳng làm gì được, chỉ là tự cung tự cấp. Giao thông giúp lưu thông, làm tăng giá trị hàng hóa nâng cao đời sống kinh tế xã hội, cho nên luôn phải đi trước một bước đối với tất cả các loại hình vận tải hàng không, đường thủy, đường bộ, đường sắt”, Đại biểu Bùi Thị An nói.
Đại biểu Bùi Thị An, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. |
Đối với Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Đại biểu Bùi Thị An khẳng định hoàn toàn ủng hộ chủ trương. Tuy nhiên, bà An đề nghị cơ quan trình dự án vẫn cần phải làm rõ việc sân bay Tân Sơn Nhất còn khả năng khai thác đến đâu? Sân bay Tân Sơn Nhất khi chưa khai thác hết công suất thì hệ quả ra sao và hiện sân bay này không đáp ứng được ở những điểm nào.
Trong việc triển khai xây dựng sân bay Long Thành cũng vậy, Đại biểu Bùi Thị An đề nghị cần phải làm rõ quy hoạch cụ thể cũng như việc triển khai xây dựng trong từng giai đoạn. Một trong những chức năng của cảng hàng không Long Thành là sân bay trung chuyển của khu vực, do đó cần phải đầu tư ra sao để chức năng này phát huy được hiệu quả, đưa sân bay Long Thành lên vị trí trung chuyển quan trọng trong khu vực và thế giới.
“Mục tiêu của dự án hướng tới thị trường hàng không đến năm 2035 trong bối cảnh xu hướng kinh tế mở và vận động. Khi đó, khu vực và thế giới cùng phát triển thì liệu rằng việc xây dựng sân bay hiện nay có đáp ứng được nhu cầu hay không, điều này cần phải được tính toán”, Đại biểu Bùi Thị An nhận định.
Bởi theo Đại biểu Bùi Thị An, nếu chỉ dự kiến hay thiết kế xây dựng sân bay trong quy mô dạng tĩnh, dạng kín là rất gay go. Trong bối cảnh kinh tế luôn ở dạng mở, và vận động không ngừng, thị trường hàng không khu vực và thế giới liên tục phát triển, vấn đề đặt ra liệu sân bay có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cũng như đủ sức để cạnh tranh, điều này cần thiết phải tính đến nếu không việc xây dựng sân bay sẽ trở nên rất lãng phí.
Một điều đáng lưu ý nữa theo Đại biểu An là hiện nay gánh nợ công đang ở mức cao, do đó việc đầu tư vốn xây dựng cũng là điều cần phải cân nhắc và phải có giải pháp cụ thể. Sau khi đã tính toán thấy nếu thực sự sân bay sẽ mang lại hiệu quả thì vẫn có thể quyết định đầu tư, nếu không tận dụng cơ hội sẽ trở thành quá muộn.
“Vấn đề phải xác định đối với dự án này là phải thật hiệu quả. Cơ quan thực hiện dự án phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Quốc hội về tính hiệu quả của nó” Đại biểu Bùi Thị An chỉ rõ.
Triệt để chống thất thoát
Đại biểu Trần Du Lịch, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải về không lưu, không đơn thuần chỉ là quá tải nhà ga bởi nhiều khi máy bay phải bay chờ đến vài chục phút mới có thể hạ cánh.
Hơn nữa, sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động quá gần khu dân cư, với việc khai thác như hiện nay người dân tại khu vực này sẽ không thể chịu đựng được hơn về tiếng ồn. Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất đang trong vùng lõm, nếu cứ chắp vá để có một sân bay tầm cỡ khu vực là điều quá bất cập.
Cho nên theo Đại biểu Trần Du Lịch, việc cần phải có một sân bay tầm cỡ như Long Thành là vấn đề không cần phải bàn cãi. Quan trọng nhất hiện nay là làm bằng cách nào, xây dựng bằng nguồn vốn ra sao và tính hiệu quả đến đâu để phân kỳ đầu tư cho phù hợp.
Đại biểu Trần Du Lịch |
Đánh giá Báo cáo về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Quốc hội lần này, Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, Đề án lần này cơ bản đã khác trước, trong đó Chính phủ chỉ trình chủ trương đầu tư xây dựng sân bay giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2018 - 2025 với quy mô 25 triệu hành khách, số vốn đầu tư đã giảm gần 1/3 từ 7,8 tỷ USD xuống còn 5,2 tỷ USD.
Một điểm khác biệt nữa theo Đại biểu Trần Du Lịch là mặc dù chỉ thực hiện giai đoạn 1 của dự án, nhưng chủ trương của Chính phủ vẫn làm quy hoạch diện tích đất cho cả 3 giai đoạn. Trong phần này đã có sự tách bạch giữa dự án sử dụng quỹ đất quốc phòng và đất cho các công trình kinh tế không được tính vào chi phí sân bay.
Đối với những lo lắng về việc đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành có ảnh hưởng đến nợ công, Đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ, sự lo lắng này là rất đúng và cần thiết, nhưng đối với một dự án đầu tư, nếu đã thấy được tính hiệu quả thực sự thì việc phải vay thêm nợ để tiến hành vẫn cứ phải làm, miễn làm sao triệt để chống được thất thoát, không để những suy nghĩ mang tính tâm lý ảnh hưởng đến một dự án lớn./.