Trong khuôn khổ Diễn đàn khoa học thảo luận về Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức sáng 1/6, đa phần các ý kiến của các học giả, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học trong lĩnh vực hàng không đều khẳng định tính cấp thiết của việc xây dựng sân bay Long Thành, phù hợp với nhu cầu cũng như xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay.

Tuy vậy, vẫn có một số ý kiến của các nhà khoa học, giới luật sư chưa thật sự đồng tình với chủ trương xây dựng sân bay trong thời điểm hiện nay, nhất là việc cần làm rõ hơn nhiều chi tiết trong báo cáo đầu tư dự án.

Khẳng định không phản đối chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Hascon cho rằng, quan điểm của Đảng, Nhà nước cũng như mỗi người dân ai cũng muốn có một sân bay lớn, tương xứng với sự phát triển của đất nước cũng như khu vực. Tuy nhiên, qua xem xét và phân tích, Hội tư vấn Hascon nhận thấy trong báo cáo tiền khả thi của dự án còn có 9 điểm bất cập.

TS. Nguyễn Bách Phúc cũng cho biết, để hoàn thiện báo cáo dự án này, Bộ GTVT cần tiếp tục tổ chức những cuộc thảo luận trực tiếp, giữa các nhóm chuyên gia độc lập về từng vấn đề của dự án, sau đó hai bên thảo luận tìm ra sự đồng thuận hoặc kiến nghị Chính phủ giải quyết những vướng mắc.

Trong kiến nghị của mình, đại diện Hội tư vấn Hascon tiếp tục yêu cầu Bộ GTVT viết lại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. TS. Nguyễn Bách Phúc cho rằng, khi lập dự án, xây dựng một công trình, chủ đầu tư phải mời các công ty tư vấn làm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhưng với một báo cáo vẫn còn có tới 9 điều bất cập như hiện nay thì cần phải được xem xét lại.

Xuất hiện tại Diễn đàn với tư cách một chuyên gia về lĩnh vực hàng không, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống quyết liệt khẳng định, lúc này là thời điểm chưa cấp thiết và chưa cấp bách để làm sân bay Long Thành.

nguyen_thien_tong_frpp.jpg
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống (hàng đầu thứ hai bên phải) tại Diễn đàn.
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống chỉ rõ, nếu để quyết định dự án này, báo cáo đầu tư dự án cần phải được nghiên cứu kỹ hơn. Bởi thực tế báo cáo đầu tư dự án chưa đạt yêu cầu của một báo cáo tiền khả thi, mới chỉ là việc thông qua thủ tục để đưa lên Quốc hội. Đặc biệt, khi nghiên cứu tiền khả thi dự án thường phải có tính trừ hao, phải tính toán lợi ích ở mức thấp nhất nhưng với mức chi phí cao nhất. Khi thấy được dự án mang lại lợi ích rõ ràng mới có cơ sở chắc chắn để tiến đến giai đoạn nghiên cứu khả thi.

Cụ thể trong dự án này, việc tính lợi ích lại được tăng cao lên, trong chi chi phí lại được làm nhỏ đi. Mặt khác, không phải dự án cứ có lợi về kinh tế xã hội là phải đầu tư, trong phạm vi ngân sách vốn hiện nay, nhất thiết phải xem xét đến vấn đề tài chính của dự án trong trường hợp dự án không hiệu quả.

“Nghiên cứu cho thấy, Dự án này xét về tài chính không lỗ nhưng nền kinh tế bị lỗ. Chỉ khi thấy được hai vấn đề này đều có lợi mới quyết định đầu tư, nếu tài chính bị lỗ mà nền kinh tế có lợi thì chỉ “nên” đầu tư, chưa chắc đã “phải” đầu tư. Về tính dự báo, dự án cũng không đưa ra thông tin rõ ràng để người có chuyên môn kiểm tra lại, chỉ căn cứ cơ sở qua những con số”, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống chỉ rõ.

Mặt khác, theo PGS. TS Nguyễn Thiện Tống, việc sân bay xa trung tâm thành phố là điều bất lợi, không hoàn toàn có lợi cho ngành hàng không. Dự án này chưa tính đến chi phí của hành khách cho giao thông đi lại giữa TP HCM đến sân bay Long Thành ít nhất cũng lên đến 500 – 600.000 đồng/lượt. Do đó khi có hai sự lựa chọn giữa 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành người ta sẽ chọn sân bay Tân Sơn Nhất.

“Chưa sinh con đã xây nhà ở cho cháu”

Đánh giá phân tích việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất có gì đó thiên lệch, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống chỉ rõ, báo cáo cố tình đưa ra phương án mở rộng thêm 640 ha đất tại Tân Sơn Nhất là cực kì tốn kém, đây là cách tạo sức ép để bác bỏ phương án mở rộng sân bay này. Nếu đánh cược vào sân bay Long Thành có thể có lãi lớn nhưng cũng có thể bị lỗ nặng, nếu bị lỗ nặng thì sao? Đây là rủi ro rất lớn và đã từng có nhiều bài học trên thế giới.

“Quy mô và thời điểm xây dựng với một dự án lớn cần làm lâu dài, không thể chưa sinh con đã đã xây tòa nhà cho cháu ở. Nếu nói tư duy cơi nới là hiểu lầm về sân bay, người ta xây dựng đường băng là chủ đạo, còn nhà ga là tùy thuộc nhu cầu phát triển về sau có thể mở rộng dần, đây không gọi là cơi nới”, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống nói rõ.

PGS. TS Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng, Dự án cần xem lại dự toán mức đầu tư giai đoạn 1 từ 7,8 tỷ USD xuống còn 5,2 tỷ USD, giảm 1/3 tổng mức đầu tư, đây là con số giảm quá lớn khiến nhiều người đặt câu hỏi. Hoặc như dự án là cố liệt kê những sân bay lãng phí có diện tích trên 4.000 ha để nói là sân bay lớn, điều này là không đúng.

Tại Diễn đàn, ông Phạm Văn Tới, Phó Tổng thư kí Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cũng đưa ra ý kiến, đối với dự án sân bay Long Thành, việc nghiên cứu về xác suất và quy mô là cần thiết để có thiết kế hợp lý nhất. Công tác dự báo chỉ là một phần và có sai số, nên trong quy hoạch và thiết kế, không để dự án bị phụ thuộc quá nhiều vào công tác dự báo. “Dự báo là cần thiết nhưng không phải là con số để quyết định quy mô của dự án”, ông Tới nói.

Ở một góc độ khác, theo Luật sư Trần Vũ Hải, hiện nay người dân đang quan tâm đến vấn đề xây dựng dân bay Long Thành để giảm quá tải và thay thế sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên người dân cần biết và cần được làm rõ về diện tích 160 ha đất đang còn ở sân bay Tân Sơn Nhất sẽ sử dụng như thế nào và vào mục đích gì?

Luật sư Hải cho rằng, báo cáo dự án cho thấy, hiện sân bay Tân Sơn Nhất đang và sẽ bị quá tải vì hết công suất, nếu đúng như vậy thì đây là mục tiêu kinh doanh vô cùng hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Bộ GTVT cần lập đề án nhượng quyền khai thác vào đúng thời điểm sân bay Tân Sơn Nhât đang có giá trị, sau đó có tiền xây dựng sân bay Long Thành.

Theo Luật sư Hải, nếu đã xác định sân bay Long Thành phục vụ chung cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, không phải là sân bay riêng của TP HCM, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất chỉ phát triển đến mức độ nhất định thì báo cáo dự án sân bay Long Thành không nhất thiết đề cập đến sân bay Tân Sơn Nhất, nhượng quyền khai thác Tân Sơn Nhất trong thời điểm này sẽ là hợp lý.

“Nếu cứ không rõ ràng như hiện nay, tâm lý của người dân sẽ cho rằng, dự án xây dựng sân bay Long Thành là một dự án lớn, sẽ có nhiều “phần trăm” được cắt ra từ dự án. Do đó, các cơ quan liên quan nếu không làm rõ được các vấn đề về thực tế cũng như về kinh tế thì nhân dân rất khó tin tưởng. Mặc dù vẫn có thể xây dựng sân bay Long Thành nhưng với các luận điểm như hiện nay có thể thấy, khó xây dựng được sân bay Long Thành trong một vài năm tới”, Luật sư Hải nêu ý kiến./.