Lo “đội vốn”
Chiều nay (14/11), thảo luận tại Nghị trường về Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nhiều đại biểu “hiến kế” để triển khai được dự án này sớm nhất và hiệu quả nhất.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá cao phương án nghiên cứu tiền khả thi của dự án cao tốc Bắc Nam. Tuy nhiên, ông Trí cho rằng, cần lưu ý, xem xét sự cấp thiết của đoạn đường để thiết lập và có sự ưu tiên hợp lý nhất.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí |
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, không nên làm đường cao tốc chỉ có 2 làn vì đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận tổ đề nghị cần phải nghiên cứu lại. Đối với tổng mức vốn đầu tư cho dự án này, giai đoạn 2017-2020, với số tiền 118.716 tỷ đồng, nhiều cử tri cho rằng, số kinh phí đó là không đủ.
Do vậy, ông Trí kiến nghị cần cập nhật, tính đủ và sát nhất để tránh đội vốn, bởi trên thực tế rất nhiều dự án khi đưa ra rất ít kinh phí, nhưng quá trình thực hiện lại luôn thiếu, rồi phải “xin” thêm.Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam: Cần tính phương án cho 10 làn xe
Vẫn lo “dị ứng” với BOT
Đối với phương án kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức BOT, ông Nguyễn Anh Trí cho rằng cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, việc triển khai hình thức đầu tư này chưa thực sự tốt, gây bức xúc cho xã hội. Do vậy nếu thực hiện thì phải làm tốt hơn nữa.
Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) bày tỏ tán thành chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, dự án có 8/11 dự án thành phần thực hiện theo hình thức BOT trong điều kiện Quốc vừa thực hiện giám sát và chỉ ra nhiều hạn chế của hình thức này. Nghị quyết giám sát mới ban hành nên chưa thể hoàn thiện ngay cơ chế chính sách. Do đó, ông Hàm đề nghị Chính phủ trình Quốc hội biện pháp khắc phục các sai sót, hạn chế mà Uỷ ban thường vụ đã chỉ ra để đưa vào Nghị quyết của Quốc hội làm căn cứ triển khai.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm |
Theo ông Hàm, chỉ nên áp dụng hình thức BOT với tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân, đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu. Quy định tham vấn và lấy ý kiến của người dân, quy định vị trí đặt trạm, công nghệ thu phí để đảm bảo chỉ nộp tiền khi sử dụng đường và đúng số km sử dụng, đại biểu đoàn Phú Thọ đề xuất.
Nếu đầu tư BOT, nhà nước bỏ ít ngân sách nhưng giá thu phí không điều tiết được cho phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân, cộng thêm lãi vay ngân hàng thường cao hơn lãi vay trái phiếu Chính phủ. Còn nếu đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ sẽ tăng nợ công nhưng ưu điểm nhà nước điều tiết được mức thu phí phù hợp, nguồn thu phí sẽ tạo được nguồn để trả nợ hoặc tiếp tục đầu tư công trình khác. Chi phí được quản lý chặt chẽ sẽ thấp hơn đầu tư BOT, ông Hàm phân tích.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm cũng đề nghị Chính phủ rà soát đánh giá các dự án có thể thu phí toàn bộ để hoàn vốn, làm cơ sở bố trí kinh phí ngân sách, minh bạch giữa ngân sách và thu phí. Theo đó, các dự án khó thu phí thì đầu tư toàn bộ bằng tiền trái phiếu. Các dự án BOT thì ngân sách chỉ hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự án dự toán, đấu thầu, quyết toán. Chi phí xây dựng, nhà thầu, nhà đầu tư bỏ vốn toàn bộ và thu phí hoàn vốn./.