Sáng nay (3/11), Chính phủ trình Quốc hội chủ trương xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

duong_cao_toc_bac_nam_pllx.jpg
Dự án đường cao tốc Bắc Nam được xem là cấp thiết bởi nhu cầu vận tải lớn trong khi đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm (Ảnh minh họa: KT)

Xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam nhánh Đông được xem là một dự án trọng điểm quốc gia và đang nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là trong bối cảnh ngành giao thông đang đề xuất một số dự án lớn, có tổng đầu tư lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cần thiết và không thể trì hoãn nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam.

Nếu không đầu tư, nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt năng lực hệ thống hạ tầng giao thông hiện tại với khoảng gần 5,92 triệu hành khách và 14,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Cụ thể, tổng chiều dài tuyến cao tốc Bắc – Nam khoảng hơn 2.100 km, chạy qua 32 tỉnh, thành phố và được đầu tư theo 3 giai đoạn: Giai đoạn từ năm 2017 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn sau 2025.

Giai đoạn một (2017 – 2020) sẽ xây dựng 654 km đường cao tốc, chia thành 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh thành. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này gần 120 nghìn tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ khoảng 55 nghìn tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ và huy động từ tư nhân gần 64 nghìn tỷ đồng.

Trong số 11 dự án này, có 8 dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BOT, qua 12 tỉnh, thành phố, Ninh Bình - Hà Tĩnh và Nha Trang - Đồng Nai. 3 dự án còn lại Nam Định - Ninh Bình; Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng; Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế là đầu tư công, đầu tư xong thu phí, vốn được tiếp tục đầu tư các đoạn tiếp theo.

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan về việc tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ GTVT phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu và chỉ đạo triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ GTVT sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà thầu, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí và xung đột lợi ích.

Theo tờ trình của Chính phủ, quốc lộ 1 hiện nay đã được đầu tư mở rộng 4 làn xe, năng lực đáp ứng được khoảng 35.000 xe con mỗi ngày đêm. Đến năm 2020 nhu cầu vận tải trên các đoạn Nam Định - Hà Tĩnh, Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Đồng Nai - Khánh Hòa vượt quá năng lực của quốc lộ 1; đến khoảng năm 2025, nhu cầu vận tải trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, đoạn Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, Quảng Ngãi - Khánh Hòa vượt quá năng lực của tuyến quốc lộ 1.

Việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam không thể trì hoãn do: Cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, đặc biệt là một số đoạn có nhu cầu cấp bách nhằm sớm khắc phục tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông; giải quyết những hạn chế mà quốc lộ 1 không thể đáp ứng; Lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm./.