Chính phủ vừa trình Quốc hội dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành với phạm vi đầu tư của Dự án do đây là một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Chính phủ lựa chọn theo thứ tự ưu tiên đầu tư mang tính cần thiết, cấp bách trên cơ sở nhu cầu vận tải, quy hoạch đã được phê duyệt và khả năng cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả đầu tư.

chu_nhiem_vu_hong_thanh_qltq.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Ông Thanh cho biết, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ theo phương án đầu tư giai đoạn phân kỳ có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 17 - 25 m, riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường là 12 m.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, cần phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí an toàn, hiện đại, đồng bộ vào quá trình vận hành và quản lý Dự án, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải trong ít nhất 20 năm tới, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế thì phương án này có tính khả thi hơn.

Một số ý kiến đề nghị Dự án cần thực hiện theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 24,75 m và 6 làn xe với bề rộng nền đường là 32,25 m theo mô hình đường cao tốc hoàn chỉnh có làn dừng xe khẩn cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần phải giải phóng mặt bằng theo quy mô từ 8 đến 10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai. Một số ý kiến đề nghị cần quan tâm đến việc xây dựng các nút giao, đường gom bảo đảm thông tuyến, an toàn; các công trình phòng hộ và hạng mục an toàn đồng bộ, chất lượng. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ các vấn đề này.

Một số đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam sẽ được khởi công trong năm 2019 (Ảnh minh họa: KT)

Về khung giá dịch vụ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, ông Vũ Hồng Thanh lưu ý: Ủy ban Kinh tế đề xuất hai phương án: Phương án 1: Chấp thuận về nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu phù hợp với khả năng chi trả của người dân và khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư. Phương án 2: Xác định giá theo thị trường trên cơ sở chỉ số giá xây dựng trong từng thời kỳ.

Theo ông Thanh, ý kiến chung trong Ủy ban Kinh tế đề nghị chọn phương án 1.

Trước đó, sáng 3/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày: căn cứ nhu cầu vận tải và quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực, Chính phủ dự kiến lộ trình đầu tư dự án theo 3 giai đoạn: Giai đoạn từ năm 2017 - 2020, giai đoạn hai 2021 - 2025 và giai đoạn sau 2025.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể

Ông Nguyễn Văn Thể cho biết, trong giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư khoảng 654 km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, thành (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long). Trong đó 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP (hình thức đối tác công tư), loại hợp đồng BOT; 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức công.

Bộ trưởng Giao thông vận tải cho hay, công tác chuẩn bị đầu tư đối với các đoạn tuyến giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được thực hiện trong hai năm 2017 - 2018, thời gian dự kiến khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021./.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của dự án khoảng 118.716 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Nguồn vốn nhà đầu tư khoảng gần 64.000 tỷ đồng./.