Nhà nước hỗ trợ gần 43%
Cuối giờ sáng nay (3/11), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng chiều dài tuyến cao tốc Bắc - Nam khoảng hơn 2.100 km, chạy qua 32 tỉnh, thành được và đầu tư theo ba giai đoạn. Quy mô từ 4-6 làn xe. Khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn thì 8 làn xe. Tốc độ từ 80-120km/h.
Giai đoạn 1 (2017-2020) dự kiến đầu tư khoảng hơn 650 km, chia thành 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh, thành. Trong giai đoạn này, ngành giao thông sẽ đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế), Dầu Giây (Đồng Nai) - Nha Trang (Khánh Hòa) và cầu Mỹ Thuận 2.
Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 gần 128.716 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ. Nguồn vốn phải huy động đầu tư gần 64.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 (2021-2025): Chính phủ đề xuất đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang, nâng cấp, đưa vào sử dụng đoạn La Sơn - Túy Loan từ 2 lên 4 làn xe.
Giai đoạn 3 sau năm 2025 sẽ đầu tư, khai thác đoạn Cần Thơ - TP. Cà Mau.
Nếu được Quốc hội thông qua, một số đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam sẽ được khởi công trong năm 2019. Dự kiến hoàn thành năm 2021 (Ảnh minh họa: KT) |
Theo tờ trình của Chính phủ, hiện còn nhiều khó khăn trong đầu thầu dự án. Cụ thể, Chính phủ cho rằng trong việc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), để triển khai các dự án này thành công thì không phụ thuộc vào nhà nước mà phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường, mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, sự ổn định chính sách, sự đồng thuận của nhân dân...
Các cơ chế, chính sách lựa chọn nhà đầu tư, giá dịch vụ, quản lý thực hiện dự án còn nhiều bất cập. Nếu thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, dự án này chỉ có thể khởi công dự án sớm nhất vào năm 2020.
Ngoài ra, khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước cũng khó khăn. Việc huy động nguồn vốn nước ngoài cần có các cơ chế bảo lãnh của Chính phủ, trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và đồng bộ...
Trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam là cần thiết.
Về phương án đầu tư, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với phương án của Chính phủ phân chia Dự án thành các dự án thành phần. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần thuyết minh chi tiết hơn về căn cứ phân chia các dự án thành phần, có dự án chiều dài 115 km, nhưng có dự án chỉ 15 km hoặc 29 km sẽ khó bảo đảm sự đồng bộ về tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác.Không thể trì hoãn xây đường cao tốc Bắc - Nam
Cần cân nhắc khi áp dụng hình thức đầu tư BOT
Ông Vũ Hồng Thanh lưu ý, các dự án thành phần phải bảo đảm tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật của Dự án, nhất là nguyên tắc xác định giá sử dụng dịch vụ và phương án đặt trạm thu giá sử dụng dịch vụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Về hình thức đầu tư, theo Tờ trình của Chính phủ, có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, có 08 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT).
Tuy nhiên, báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hình thức đầu tư này còn nhiều hạn chế, bất cập.
Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT.
Đối với 3 dự án thành phần còn lại (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Cầu Mỹ Thuận 2), Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành áp dụng hình thức hoàn toàn bằng vốn nhà nước sau đó tổ chức thu giá sử dụng dịch vụ đối với các dự án này. Tuy nhiên, để làm rõ hơn lý do không đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với các đoạn này, đề nghị Chính phủ so sánh hai hình thức đầu tư này nếu được áp dụng vào các dự án đó.
Ngoài ra, đối với 2 dự án đoạn Cao Bồ-Mai Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2 đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án kết hợp thu giá sử dụng dịch vụ với các dự án theo hình thức hợp đồng BOT lân cận để tránh việc phát sinh thêm bộ máy quản lý vận hành và bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của Dự án.
Riêng đối với dự án đoạn Cam Lộ-La Sơn theo quy hoạch trùng với đường Hồ Chí Minh và song song với tuyến Quốc lộ 1 hiện đang được thu giá sử dụng dịch vụ theo hình thức hợp đồng BOT. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần cân nhắc đưa ra phương án thu giá sử dụng dịch vụ phù hợp để tạo được sự đồng thuận cao./.