Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello (trọng tâm là nghiên cứu thị trường Việt Nam) công bố có đánh giá: Thu hút FDI là một thách thức của Việt Nam năm 2017.

Khó hút vốn FDI, cần khuyến khích đầu tư tư nhân

Theo MarketIntello, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam đã tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Dịp nghỉ Tết gắn với tháng 1, CPI đã tăng 5,22% (tính theo năm), vượt mức mục tiêu 4% trong năm 2017. Hầu hết các nhóm hàng (9/11) tính CPI đều tăng giá trong tháng 1. Tuy nhiên, nếu so sánh với tháng trước, CPI tăng khoảng 0,46% (tính theo tháng) chủ yếu do tác động của giá dầu (giá vận tải đã tăng 3,21% so với tháng trước, đóng góp 0,27%).

thu_hut_fdi_nam_2017_pkli.jpg
Theo Market Intello, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2017 là việc thu hút vốn FDI (ảnh minh họa: KT).

Sản xuất công nghiệp trong tháng 1 cũng bị tác động của đợt nghỉ Tết, khiến chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1 cũng giảm xuống mức 51,9 điểm (thấp hơn mức 52,4 điểm trong tháng 12/2016).

Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trong tháng 1/2017. Xuất khẩu trong tháng đầu năm răng 7,56% (cao hơn mức 0,48% trong tháng 1 của năm 2015) trong khi nhập khẩu tăng 15,8% (tính theo năm; trong khi tháng 1/2015 giảm tới 10,12%). Trong tháng 1 năm nay, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm tới 30%, giá trị xe được nhập khẩu về Việt Nam tăng 12% và lượng xe nhập khẩu tăng gần 20%.

Tương lai của Hiệp định TPP không rõ ràng khi Mỹ rút lui khỏi hiệp định này. Động thái này làm ảnh hưởng nặng nề tới tương lai của hiệp định khi riêng nền kinh tế Mỹ đã chiếm tới 60% tổng GDP của các nước thành viên TPP.

Trong khi Australia vẫn khuyến khích việc thực hiện hiệp định với các thành viên còn lại, Nhật Bản lại cho rằng TPP sẽ không còn ý nghĩa nếu Mỹ không tham gia.

“Đối với Việt Nam, sự thất bại của TPP sẽ khiến Việt Nam mất đi cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn bậc nhất và sẽ phải dần chuyển sang ưu tiên đàm phán thương mại song phương, đặc biệt là với các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương”- báo cáo của Market Intello đánh giá.

Theo các chuyên gia của Market Intello, trong bối cảnh đó, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2017 là việc thu hút vốn FDI phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội. Trong tháng 1/2017, FDI cả đăng ký mới và thực hiện đều khá hơn so với 1/2016 (vốn đăng ký và thực hiện trong tháng 1/2017 ước tính lần lượt đạt 1,244 tỷ USD và 850 triệu USD, tăng 23% và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2016). Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có xu hướng quay trở lại Mỹ và các nước phát triển và TPP rơi vào bế tắc, Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI.

Do đó, “để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sẽ trở nên rất cần thiết”- báo cáo nhấn mạnh.

Khó kiểm soát lạm phát dưới 4%

Các chuyên gia Market Intello còn cho rằng, lạm phát có thể khó được kiểm soát dưới 4% trong năm 2017. Giá thực phẩm sẽ tăng trong năm do tác động của thời tiết nóng lên từ cuối năm 2016. Hơn nữa, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng trở lại, gây tăng giá nhiên nhiệu trong nước.  Nếu Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017, có thể ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục phải nới lỏng chính sách tiền tệ và do đó sẽ đẩy lạm phát gia tăng.

Xuất khẩu của Việt Nam cũng đối mặt chịu tác động của những rủi ro toàn cầu. Với sự kiện Brexit, kể từ tháng 3/2017 sẽ ảnh hưởng rõ tới các nền kinh tế châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Hơn nữa, định hướng chính sách thương mại không rõ ràng của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ tác động tiêu cực đến thương mại của các quốc gia đang phát triển, hiện phụ thuộc nhiều vào xu hướng toàn cầu hóa.

Việc nguồn vốn ngoại chững lại trước thông tin TPP không được Mỹ thông qua sẽ khiến xuất khẩu khó tăng trưởng mạnh hơn khi mà khu vực FDI vẫn là động lực chính của xuất khẩu ở Việt Nam.

Tuy vậy, theo các chuyên gia Market Intello, về cơ bản, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong tháng 1/2017 vẫn nằm trong kỳ vọng. Do đó, Market Intello vẫn dự báo GDP của Việt Nam năm 2017 tăng trưởng 6,3%. Đóng góp vào mức tăng trưởng GDP năm 2017, lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm vị trí quan trọng nhưng không nhiều, khi mà công nghiệp, xây dựng và dịch vụ xu hướng sẽ có tăng trưởng tốt hơn.

Lạm phát năm nay có thể trong khoảng 4,3 – 4,5%. Lạm phát, với tác động của kỳ nghỉ tết nguyên đán, có thể sẽ ở mức trên 5% trong quý I. Tuy nhiên, các chuyên gia Market Intello tin tưởng rằng, chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước sẽ đóng vai trò quyết định chính đối với việc kiểm soát lạm phát dưới 4% năm 2017.

Mặt bằng lãi suất dự báo sẽ được giữ ở mức ngang với năm 2016; tăng trưởng tín dụng sẽ chỉ duy trì ở mức 17 – 18% trong năm 2017 do nền kinh tế còn yếu.

Tỷ giá tăng khoảng 1,5-2%. Triển vọng kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh dưới thời tân tổng thống cùng việc Fed nâng lãi suất 3 lần trong năm sẽ khiến đồng USD tăng giá so với đa số các đồng tiền trên thế giới bao gồm Việt Nam đồng. Tuy nhiên, VND sẽ không bị mất giá đáng kể nhờ cán cân thương mại tiếp tục cân bằng trong khi cán cân vốn đạt thặng dư và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào./.